Rất nhiều ngà voi đã bị tịch thu trong năm 2011, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1989, khi lệnh cấm buôn ngà vui được ban hành để cứu loài voi khỏi cảnh tuyệt chủng, Traffic, mạng lưới chuyên theo dõi việc buôn bán động vật hoang dã quốc tế cho biết.

Châu Á có nhu cầu ngà voi rất lớn

Tổ chức này cho rằng voi đã gặp “năm hạn” khi trong năm nay có tới 23 tấn ngà voi bị tịch thu, đồng nghĩa có ít nhất 2.500 con voi đã bị giết. Một phát biểu trên Traffic cho biết “việc leo thang về số lượng ngà voi bị tịch thu trong năm nay phản ánh nhu cầu về ngà voi đang gia tăng ở châu Á và mức độ tinh vi hơn của các băng nhóm tôi phạm trong việc buôn ngà voi. Hầu hết các chuyến tàu chở ngà voi châu Phi bất hợp pháp đều cập bến hoặc Trung Quốc hoặc Thái Lan”.

Theo BBC, có ít nhất 13 vụ tịch thu lớn về ngà voi với hơn 23 tấn trong năm nay so với 6 vụ không tới 10 tấn năm vừa rồi. Tom Milliken, chuyên gia về voi của Traffic cho biết: “Trong 23 năm ghi nhận dữ liệu về các vụ tịch thu ngà voi thì năm 2011 là năm kinh hoàng nhất đối với loài voi. Dù tịch thu nhiều nhưng nói chung có rất ít các vụ bắt giữ. Tôi sợ rằng bọn tội phạm đang là kẻ chiến thắng”.

Các băng nhóm buôn lậu dường như đã thay đổi cách thức vận chuyển, từ đường hàng không sang đường biển. Hồi đầu năm, 3 vụ tịch thu số lượng lớn ngà voi xảy ra ở sân bay thì cuối năm nay hầu hết các vụ phát hiện đều diễn ra trên tàu biển.

Mẫu số chung duy nhất trong các  vụ buôn lậu ngà voi là ngà voi sẽ xuất phát từ châu Phi đến châu Á, nhưng tuyến đường vận chuyển thì đang dần thay đổi. Malaysia dường như đang là quốc gia quá cảnh trong chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp.

Trong vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 21/12, các nhà chức trách Malaysia đã tịch thu hàng trăm ngà voi châu Phi đang được đưa đến Campuchia, giá trị khoảng 1,3 triệu USD. Những ngà voi này được giấu trong các côngtenơ chứa đồ thủ công mỹ nghệ từ cảng Mombasa của Kenya.

Nhiều nhà vận động môi trường cho rằng quyết định cho phép một số quốc gia ở phía nam châu Phi, nơi mà số lượng loài voi đang tăng trở lại, được phép bán ngà voi trong kho dự trữ của họ như “châm thêm dầu vào lửa”. Những quốc gia này gồm Nam Phi, Botswana, Namibia và Zimbabwe đã không công nhận điều này và cho rằng họ xứng đáng được thưởng cho những gì họ đã làm để giúp số lượng loài voi tăng trở lại.

Phúc Nguyễn