Trước đây chỉ làm test để thử có thai hay không đã là điều kỳ lạ. Nay, có thể thử nhanh mình sẽ sống đến bao nhiêu. Dịch vụ này sẽ thương mại hoá tại Anh Quốc vào cuối năm nay.
Bằng một thí nghiệm rất nhanh, bạn có thể biết mình còn sống được bao lâu nữa. Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images. |
Сách test ấy dựa trên sự xác định những giai đoạn trong cuộc đời bạn thông qua độ dài của telomer – một đoạn phân tử có cấu trúc đặc biệt nằm tại đầu tận cùng của nhiễm sắc thể (chromosome).
Theo các nhà khoa học, telomer là một trong những chất chỉ thị sự lão hoá chính xác nhất. Bà Maria Blasco, thuộc Viện nghiên cứu ung thư quốc gia tại Madrid, người phát minh ra cách thử (test) này khẳng định: “Ở người, telomer càng ngắn bao nhiêu thì tuổi thọ càng thấp bấy nhiêu”.
Các nhà khoa học đã có thể diễn tả trên đồ thị sự phụ thuộc gần đúng giữa độ dài của telomer ngắn nhất của một người với tuổi thọ của người đó. Nguyên lý của test này là: Chỉ cần xác định các telomer nhỏ nhất và từ chiều dài của chúng, sẽ đưa ra dự đoán bạn sẽ sống đến 60, 70, 80 hay hơn nữa… Tuổi thọ nếu vậy giống như là một sự tiền định.
Thông tin này đã lan truyền rộng rãi và gây tiếng vang trong giới khoa học thế giới. Nhiều người cho rằng test này có thể đưa ra những kết quả đáng tin cậy. Song hàng loạt câu hỏi cũng được đặt ra.
Cần bao nhiêu vị “thầy bói trong ống nghiệm” như thế mới đủ đáp ứng yêu cầu cho mọi người? Nếu bạn đã được dự báo là bạn sẽ sống đến 90, bạn sẽ chủ quan, lơ là với việc chăm sóc sức khoẻ, tự cho mình được phép mắc những thói quen xấu như rượu chè, hút xách… thì sao?
Ngược lại, nếu bạn được dự doán là chiều dài telomer của bạn quá ngắn, quỹ thời gian chẳng còn bao nhiều, liệu bạn có thể thắng được sự buồn chán, trầm cảm và làm những việc điên rồ hay không?...
Tuy nhiên cũng nhiều người lập luận một cách tích cực, đại khái như: “Nếu biết tôi chỉ còn sống được 10 năm nữa, tôi sẽ cố tranh thủ thời gian còn lại làm việc gì thật có ích. Nếu được dự đoán minh còn sống được 40 năm, tôi sẽ duy trì một cách sống lành mạnh để đạt được tuổi thọ đã được trời cho”…
Còn nếu như test đó là sai lầm? Lại phải tìm cách khác để an ủi: “Cứ yên tâm. Khoa học sẽ có sách giải quyết tất!”.
Quan điểm chung của số đông là: Bạn cứ việc test cho vui. Biết thêm được một điều rủi ro (nghĩa là khi kết quả cảnh báo bạn chẳng sống được bao lâu nữa chẳng hạn) thì vẫn cứ là điều có ích. Bạn sẽ - như một lẽ đương nhiên - tìm đến một bác sĩ đáng tin cậy để khám sức khoẻ tổng thể, biết đâu lại vô tình phát hiện một bệnh mới chớm đề điều trị kịp thời. Bạn sẽ tìm đến một nhà tâm lý để được tư vấn mình làm thế nào để được mọi người quý mến, dù không có mặt ở trên đời vẫn “sống” trong lòng mọi người ?
Và bạn cũng đừng quên rằng theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) cuộc sống của chúng ta chỉ 40% phụ thuộc vào gen, còn 60% phụ thuộc vào cách sống và tác động của những yếu tố bên ngoài.
2 điều lưu ý về test mới này:
– Теlomer cứ liên tục bị ngắn lại. Khi chúng không còn ở đầu cùng của nhiễm sắc thể nữa, thì nhiễm sắc thể bị hỏng và tế bào bị chết.
– Các nhà khoa học hứa rằng, trong 5-10 năm tới những test tương tự sẽ phổ biến trên toàn thế giới.
Bảo Châu