Hàn Quốc đang “trình làng” một sản phẩm nghiên cứu mới nhất của họ trong lĩnh vực máy bay không người lái - một loại “máy bay lai” (convertiplane), vừa có cánh quạt thẳng đứng như trực thăng vừa có cánh cố định.

Mẫu máy bay lai Eagle Eye của Công ty Bell Helicopter. Ảnh: Cnews.

Hàn Quốc dự kiến sản xuất mộtloại thiết bị vận tải trên không trên cơ sở “máy bay lai”. Thiết bị bay này của họ chưa đặt tên chính thức, mặc dù Viện nghiên cứu khí động học Hàn Quốc đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 2002.

Theo trang Cnews, khác với máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định, “máy bay lai” có khả năng không những bay và đỗ theo chiều thẳng đứng mà còn di chuyển được với tốc độ cao.

Nhờ  kiểu cất cánh và hạ cánh của trực thăng, nên nó rất linh hoạt, không cần sân bay nhưng sau khi cất cánh nó có thể bay với vận tốc 400 km/giờ, nhanh hơn các máy bay trực thăng thông thường. Để so sánh, cần nhắc lại là chiếc máy bay không người lái nổi tiếng nhất thế giới là Predator hiện chỉ có tốc độ khoảng 135 km/giờ và tối đa là 217 km/giờ.

Người ta cho rằng chiếc “máy bay lai” của Hàn Quốc đã mô phỏng chiếc Eagle Eye của Công ty Bell Helicopter

Hiện nay các kỹ sư Hàn Quốc có kế hoạch giảm kích thước của nguyên mẫu chiếc “máy bay lai” của họ xuống còn 60%, nghĩa là chỉ còn dài 5 met, sải cánh 7 met và tổng khối lượng khoảng 1.000 kg. Theo tuyên bố của nhà sản xuất, sản phẩm của họ là thiết bị bay thứ hai trên thế giới (sau V-22) có cánh quạt và là chiếc máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới thuộc loại này.

Nhưng thực ra, công ty Bell Helicopter của Mỹ vào cuối những năm 1990 đã từng trình diễn chiếc “máy bay lai” không người lái mang tên Eagle Eye. Nó có khối lượng chỉ hơn 800 kg và cũng bay được với tốc độ 400 km/giờ. Sau khi thử nghiệm Không quân Mỹ đã bác bỏ dự án này cơ bản vì kết cấu của Eagle Eye phức tạp và giá thành cao.

Các chuyên gia Hàn Quốc lại cho rằng “đứa con” của họ rất có tương lai. Ví dụ, nó có thể coi như một chiếc ô tô bay, chở hành khách hoặc hàng hoá đến bất cứ địa điêm nào mà không cần cơ sở hạ tầng như các loại máy bay nào khác.

Giá thành của “máy bay lai” chưa công bố vì người ta chưa dự đoán được quy mô sản xuất sẽ như thế nào. Hơn nữa để triển khai thành sản phẩm thương mại hoá cần không dưới 3 năm nữa.

Tuấn Hà