Chú khỉ sóc Banana Sam đã biến mất rồi trở về một cách kỳ lạ. Ảnh: Abcnews. |
Con khí sóc (squirrel monkey) Banana Sam - hậu duệ của con khỉ đầu tiên hy sinh khi bay vào vũ trụ được nuôi tại vườn thú San Francisco, California. Tại đây, có cả một câu lạc bộ các fan của của Sam được thành lập.
Tuy nhiên, vào 29/11/2011 vừa qua con khỉ bỗng biến mất. Nó bị bắt cóc vào ban đêm. Ngăn chuồng nuôi nó bị bẻ gãy nhưng camera không ghi lại được hình ảnh nào của bọn bắt cóc, dù 24/24 giờ lúc nào cũng có 2 nhân viên an ninh đi tuần quanh khu vực này. Các nhà quản lý vườn thú rất lo lắng đến sức khoẻ của Sam, vì nó quá già, đã17 tuổi. Họ lo ngại nó sẽ bị bán cho người nuôi thú cảnh hoặc một phòng thí nghiệm dược phẩm tư nhân.
Khỉ sóc có tên khoa học là Saimiri sciureus xuất xứ từ những khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ, sông thành đàn 100-120 con có tổ chức theo đẳng cấp. Chúng được đưa vào Sách đỏ, vì có nguy cơ tuyệt chủng do sự phá rừng và bị bắt về nuôi nhiều làm cảnh. Khỉ sóc cùng vài loài linh trưởng khác đã được Mỹ đưa lên vũ trụ. Chuyến bay của khỉ sóc không thành công vì trục trặc khi hạ cánh xuống Đại Tây dương, “căn buồng” chứa con khỉ sóc mang tên Gordo bị chìm dưới nước. Nó là con khỉ đầu tiên bị hy sinh khi bay thử nghiệm lên vũ trụ.
Theo Abcnews, sau khi thông tin Sam bị bắt cóc được đưa lên trang Twitter, những thành viên trong fanclub của Sam rất thương cảm và kêu gọi đóng góp để trao giải thưởng cho người nào tìm được con vật đáng yêu này. Chỉ hơn 1 ngày, số tiền quyên góp lên tới 5.000 đôla, giao cho Vườn thú quản lý.
Ba ngày sau, vào hồi 19h30 một “người đàn ông từ thiện” đã mang con khỉ sóc trên chiếc balô trên lưng đến sở cảnh sát nhờ chuyển trả cho sở thú. Ông ta kể đang đi cùng con chó, đến Stern Grove, thấy con chó cứ hướng vào bụi rậm sủa thì ông ta phát hiện ra con khỉ, “đói, khát và run rẩy”. Ông dụ nó vào trong chiếc balô, đeo trên lưng và mang đến đây. Ông nói đang bận, và sẽ tự mình đến vườn thú lĩnh thưởng.
Một giờ sau, con vật đã nằm trong vòng tay bà giám đốc Tanya Peterson của vườn thú. Bà cảm ơn cộng đồng mạng và những fan của Banana Sam cùng sở cảnh sát về cái “happy end” ngay ngày đầu năm mới.
Một chuyên gia nghiên cứu tập tính của khỉ sóc là Jill Andrews tỏ ý nghi ngờ. Theo ông, khỉ sóc rất dát, dù đã quen với người nó cũng chẳng bao giờ tự nguyện đến với người. Cảnh sát cũng rất hoài nghi về “nhà từ thiện” chính là tên ăn trộm và đề nghị vườn thú giữ người lĩnh thưởng lại để mở rộng điều tra.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhà từ thiện vẫn chưa xuất hiện.
Tuấn Hà