Khoa học dường như đã đánh giá thấp sự nhạy cảm của một trong những cơ quan “nhạy cảm” nhất trên cơ thể.

Suốt nhiều năm, người ta tin rằng lưỡi chỉ có thể nhận biết được bốn thành tố của vị giác là ngọt, chua, mặn và đắng. Sau đó, vị thứ năm là “cay” mới được bổ sung vào danh sách.

Lưỡi có thể nhận biết được 6 vị khác nhau, thay vì 5 vị như khoa học vẫn tưởng trước đây. Ảnh: Daily Mail.

Nhưng giờ đây, các nhà khoa học Mỹ nhận ra rằng, con người còn có một vị giác thứ sáu dành cho đồ béo.

Nếu như bạn không thể cưỡng lại một miếng bánh ngọt hay khoai tây chiên, đó chưa hẳn là việc bạn thiếu quyết tâm giảm cân. Có thể là trong cơ thể bạn đang tồn tại một biến thể gene, khiến cho lưỡi ít nhạy cảm với những phân tử chất béo hơn hẳn so với người thường, DailyMail cho hay.

Phát hiện mới

Trước đây, khoa học cho rằng niềm đam mê dành cho những thực phẩm gây béo liên quan đến cảm giác của con người, khi một số người bị hấp dẫn khó cưỡng bởi mùi thơm và cách bài trí món ăn.

Thế nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Y Washington nhận thấy, nỗi ám ảnh về thực phẩm nhiều béo ở những người thừa cân có liên quan đến số lượng tế bào tiếp nhận CD36 trên lưỡi. Số lượng CD36 càng nhiều thì con người càng nhận biết rõ sự hiện diện của chất béo, từ đó ít thèm muốn và ít ăn đồ béo hơn. Ngược lại, những người có ít tế bào CD36 lại rất say sưa tiếp nhận những thức ăn giàu chất béo.

Chia sẻ với DailyMail, Giáo sư Nada Abumrad tin rằng phát hiện này có thể giúp điều trị bệnh béo phì, thông qua việc tăng mức nhạy cảm của lưỡi với chất béo ở người bệnh.

Càng ăn nhiều chất béo, người bệnh càng cần nhiều chất béo hơn để thỏa mãn cơn nghiện của mình, Giáo sư Abumrad phân tích. Những thí nghiệm với CD36 trên động vật cho thấy, số lượng CD36 nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào gene di truyền. Trên thực tế, ăn nhiều chất béo cũng khiến cho cơ thể ít sản sinh ra CD36 hơn.

Trọng Cầm