Tuổi dậy thì, tuổi của giới tính, mọi “nhất cử nhất động” của nó dường như đều có bóng dáng giới tính, ngay cả cái nhìn. Tuổi mới lớn cũng là tuổi rắc rối, không vấn đề nếu cái nhìn đúng “sách vở”: hướng về người khác phái, ngược lại chỉ cần phương vị đảo chiều lập tức sinh phiền.

Ở tuổi dậy thì, mọi ánh nhìn đều có "giới tính". Ảnh minh họa.

Hầu hết lo toan về cái nhìn xuất phát từ các chàng trai (các cô ít hơn), thay vì hướng đến các đường cong, chúng lại rẽ ngoặt sang người cùng giới, đặc biệt khi hồng tâm là vùng “phao số 0”.

Vậy, việc một chàng trai quá chú tâm đến cơ thể, đặc biệt là “thương hiệu mạnh” của người đồng giới, có phải dấu chứng không thể chối cãi đương sự thuộc thế giới thứ ba hay còn “uẩn khúc” gì khác? Trả lời được câu hỏi này một cách có hậu, với nhiều cậu trai mới lớn là cái phao “chết đi sống lại” chứ chẳng chơi.

Thật ra, độ tin cậy của “chẩn đoán” không phải không có lý, nhưng khoan vội kết luận trước khi loại bỏ những trường hợp… dương tính giả. Chẳng hạn, với sự tò mò, khám phá đơn thuần của buổi sơ giao dậy thì, một chàng trai mới lớn vẫn có thể thích thú quan sát “kiểu dáng” và kích thước “của để dành” của những anh chàng đồng vai phải lứa. Ý định khám phá này hoàn toàn có thể thấy ở bất kỳ giới nào.

Cũng vậy, cố tật của phái mạnh là hay so đo hơn thiệt, đặc biệt về “khoản đàn ông”, nên việc một chàng trai tích cực tham khảo “bất động sản” của người khác không có gì khó hiểu. Mục đích càng rõ nếu chủ nhân mắc phải khiếm khuyết nào đó về “lực lượng vũ trang” như cái ấy quá nhỏ, cong quẹo hay “rừng phòng hộ” xác xơ…

Với mấy chàng này, chừng nào thắng lợi tinh thần chưa đạt, tức chưa tìm được ai… kém hơn mình thì cuộc tìm kiếm vẫn còn tiếp tục, không chỉ với dữ liệu bằng xương bằng thịt mà còn qua phim ảnh, internet...

Hiếm hơn, đôi khi sự chú ý thái quá “hạ tầng” của nhau còn do một số chàng trai có ấn tượng không hay về phụ nữ nói chung và “vùng kín” nói riêng như: kinh nguyệt không sạch sẽ, xui xẻo, hoặc ám ảnh từ phim ảnh, sách báo, có cách mô tả chỗ kín của phụ nữ hơi thiếu thiện cảm.

Phần lớn những cái nhìn “lạc lối”, sau thời gian thâm nhập thực tế, có trải nghiệm, có phản biện thì chiếc la bàn giới tính lại hướng con mắt các chàng trở lại chính đạo.

Gút lại, việc một số chàng trai mới lớn chú ý thái quá đến cơ thể người khác phái, dù cần cảnh giác, nhưng tốt nhất chỉ nên xem là yếu tố tham khảo, đợi thời gian “phúc thẩm”. Thực tế, nhiều trường hợp điều chỉnh thành công. Khuyến cáo không chỉ dành cho đương sự mà cho cả các bậc bố mẹ. Việc hốt hoảng, lên án thái quá của người thân đều không tốt cho nạn nhân, dù mọi việc an bài hay chưa ngả ngũ.

Theo Sức khỏe&Đời sống