Một trong những tình cảm lạ lùng của cơ thể làm ta trẻ lại, tác dụng tốt đến sức khỏe thể chất và tâm thần, giúp ta thắng được nỗi đau. Đó là cười. Các loài linh trưởng khác cũng biết cười nhưng chỉ có người tiếng cười mới xuất phát từ tâm hồn. Nhiều nhà khoa học cho rằng tiếng cười xuất hiện trước cả tiếng nói.

Cho tới nay nụ cười vẫn là một trong những điều bí ẩn nhất của loài người. Ảnh: Getty Images.

Сười là phản ứng của cơ thể trước một tình huống, lời nói, cử chỉ nào đó lố lăng, không bình thường hoặc kỳ cục,  hoặc có thể do một tác động đặt biệt đến xúc giác, là cù. Phản ứng đó bao gồm chuyển động tự phát của các cơ mặt hoặc toàn thân, những âm thanh đặc trưng và sự thay đổi nhịp thở.

Trung tâm sinh lý thần kinh chịu trách nhiệm về cười là vỏ não, mà nhiều động vật cũng có, vì thể cười không phải độc quyền của con người. Khoảng 10 năm về trước, trên Tạp chí Sience, giáo sư Jack Punksepp đăng một bài báo, khẳng định nhiều loài vật cũng biết cười, nhưng chúng cười khác với người. Khỉ và chó cũng khúc khích, chuột cũng rúc rích nhưng với âm vực rất cao, tần số tới 50 kilohertz.

Có không ít lý thuyết về nguồn gốc và chức năng của tiếng cười. Điều lạ là cười không cần học mới biết, nó là phản ứng bẩm sinh. Ngượng nghịu thì đỏ mắt, vui vẻ thì khúc khích. Có thuyết cho rằng cười là một trạng thái tình cảm có bản chất bầy đàn. Thấy một người nào đó làm điều gì khác thường, lố bịch, kỳ quặc, vụng về… chúng ta cười.

Tiếng cười không có ác ý ấy thực tế làm người bị cười có dịp để gần gũi “bầy đàn” của mình hơn. Nếu bị cười có bực bội đi chăng nữa, thì sự bực bội ấy cũng là một phản ứng có tính giáo dục, họ sẽ cố không để rơi vào tình huống ấy nữa. Đằng nào cung có tác dụng.

Có thuyết cho rằng cười ở người cũng như ở động vật – đó là cách giao tiếp với đồng loại. Thật vậy, cười giữa chốn đông người tốt hơn cười một mình. Tiếng cười lớn lôi cuốn những người trong cùng một bộ lạc cười theo. Nó lưu ý mọi người hãy chú ý đến một tình huống vui vẻ, ngộ nghĩnh kỳ cục nào đó và lúc đó gần như cố kết mọi người theo một quan điểm chung.

Chẳng thế, nhiều rạp hát ở châu Âu, người ta vẫn thuê các “hoạt náo viên”, những người có tiểng cười rổn rảng, dồn dập, cười phá ra đúng thời điểm gây hài của một vở kich, làm khán giả phải cười theo đến vỡ rạp. Tiếng cười sảng khoái của một thủ lĩnh trước một vấn đề trọng đại nào đó trước mắt có thể giải toả sự lo âu cho cả một tập thể.

Cười là một phản ứng tự vệ của cơ thể, cho phép tránh được những sự căng thẳng kéo dài (thi cử hoặc khi phải hoàn thành thật gấp rút một công việc gì đó), tốt nhất là kể những câu chuyện khôi hài để cùng cười, lấy khí thế để tiếp tục công việc. Nó xua đuổi những nỗi lo âu, ẩn ức trong đầu óc.

Gần đây các nhà khoa học tìm ra một điều thú vị: Cười làm giảm đau. Giáo sư Robin Danbar, Trường ĐH Oxford và đồng nghiệp cho một nhóm các tình nguyện viên thì nghiệm về sự liên quan giữa tiếng cười và cảm giá đau. Một nhóm xem đoạn phim khôi hài trong 15 phút và một nhóm xem ghi hình một trận đấu golf cũng trong thời gian ấy. Mỗi người tình nguyện cầm trong tay một cục nước đá rất lạnh, tuy không nguy hiểm nhưng gây cảm giá đau buốt. Những người thuộc nhóm một đã cầm được cục nước đá lâu hơn rất nhiều so với người thuộc nhóm hai.

Thí nghiệm cho thấy cười đã làm người ta chịu đau và chịu lạnh được lâu hơn. Những chuyện khôi hài trí tuệ mang lại cho người ta sự thỏa mãn đồng thời cả sự chịu đau. Theo các nhà khoa học, cười làm tăng hormon nội sinh trong máu.

Đó là một chất protein sinh ra trong các tế bào não, mang lại sự sảng khoái, niềm vui, nhất là trong tình yêu. Giáo sư Danbar đưa ra giả thuyết là vào thời tiền sử, tổ tiên của chúng ta đã dùng tiếng cười để quên mệt nhọc và đoàn kết cộng đồng.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tính hài hước và tiếng cười. Theo họ đây vẫn là một trong những điều bí ẩn nhất của con người.

Tuấn Hà