Những loại “thuốc” tiết kiệm xăng có tác dụng tiết kiệm thực sự như quảng cáo không và người tiêu dùng có nên sử dụng hay không?
Độc giả ở địa chỉ mail hanhhoa…@gmail.com có hỏi: Gần đây tôi thấy trên thị trường có bán những “viên tiết kiệm xăng” hoặc “dung dịch tiết kiệm xăng”. Tôi muốn hỏi những loại “thuốc” này có tác dụng tiết kiệm xăng thực sự không và có nên sử dụng hay không?
Trả lời:
Một viên tiết kiệm xăng được rao bán trên mạng internet. |
Tuy nhiên, việc những viên tiết kiệm xăng hay dung dịch tiết kiệm xăng này có tác dụng thực sự như thực tế hay không vẫn chưa có những kiểm nghiệm chính xác về mặt khoa học.
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội thiết bị gọi là tiết kiệm xăng khó có thể tiết kiệm được tới 30% lượng xăng tiêu thụ như quảng cáo. Nếu có cũng chỉ tiết kiệm nhiều nhất là 10% nhiên liệu.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, phó chủ tịch thường trực Hội Ô tô và thiết bị động lực thành phố Hồ Chí Minh thì đúng là các chất phụ gia có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu nhưng chỉ có tác dụng ở một số điều kiện nhất định.
Khi động cơ hoạt động với công suất thấp, môi trường nhiệt xung quanh động cơ thấp so với khi động cơ phát hết công suất nên điều kiện để xăng bốc hơi không thuận tiện, lúc này phụ gia có tác dụng.
Khi động cơ phát công suất lớn, môi trường nhiệt của động cơ cao, xăng được hâm nóng hơn, dễ bốc hơi hơn, cháy trọn vẹn hơn và do đó việc xúc tác trợ giúp xăng bốc hơi không còn cần thiết nên vai trò của phụ gia không còn mang lại tác dụng.
Theo ông Ninh, tác dụng của các phụ gia nói trên đối với xe máy hay ôtô cũng giống như bia đối với con người vậy, có tác dụng giải khát. Lúc khát nước thì uống sẽ thấy đã khát. Ngược lại khi không còn khát nước nữa, dù có uống bao nhiêu nước cũng chẳng có tác dụng gì.
Tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA (Environmental Protection Agency), từng thử nghiệm một vài thiết bị tiết kiệm xăng nhưng hầu hết trong số chúng chỉ làm giảm một chút trong khi lại gây ra nhiều hỏng hóc cho động cơ hoặc tăng lượng chất độc trong khí thải.
Cũng vì chưa được kiểm định chất lượng, đặc biệt là các đặc tính liên quan đến an toàn, cháy nổ và chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký sử dụng theo quy định về sử dụng phụ gia nên mới đây Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có công văn khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua và sử dụng “Viên tiết kiệm xăng” và “Dung dịch tiết kiệm xăng” hiện đang có trên thị trường.
Vì vậy, trước khi có những kiểm nghiệm khoa học chính xác về chất lượng cũng như độ an toàn của các sản phẩm phụ gia được quảng cáo là tiết kiệm xăng này, chúng tôi khuyên bạn không nên mua và sử dụng chúng để đảm bảo an toàn, đặc biệt là vào thời điểm các xe máy, ô tô liên tục bốc cháy chưa rõ nguyên nhân như hiện nay.
An Chi (Tổng hợp)