Tinh trùng của những con bọ lặn (diving beetle) đực có cách hành xử rất kỳ quái: thay vì bơi một mình bên trong tử cung của con cái, chúng lại bám lấy nhau thành cặp, thành nhóm, thậm chí là cả một chùm dài gồm hàng trăm, hàng ngàn tinh trùng.
Tinh trùng bọ lặn đực có thể di chuyển thành cặp, nhóm, thậm chí là thành một dây dài gồm hàng trăm, hàng ngàn tinh trùng riêng biệt. |
“Nếu nghiên cứu hình thái học của hệ sinh sản ở bọ cái, bạn không thể không nghĩ rằng tinh trùng hẳn phải cần tới dao bấm Thụy Sĩ và la bàn để vượt qua được mê cung đó”, nhà sinh học Scott Pitnick của Đại học Syracuse New York (Mỹ) cho biết trên LiveScience. “Các con bọ cái đã làm cho mọi thứ trở nên cực kỳ phức tạp”.
Bọ lặn tuy bé nhưng lại là những kẻ hủy diệt đáng sợ, ít nhất là với cá con hoặc nòng nọc. Hơn 4000 loài bọ lặn đang sinh sống ở các vùng nước ngọt trên khắp thể giới, kể cả ở sa mạc Arizona.
Cũng giống như nhiều loài côn trùng khác, bọ lặn cái có hệ sinh dục rất phức tạp và chúng có thể bảo quản tinh trùng từ một hay nhiều con đực để tự thụ thai nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm sau đó. Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra, tinh trùng bọ đực có thể ghép đôi với nhau bên trong đường vào tử cung. Nhưng Pitnick thậm chí còn tìm thấy một hiện tượng kỳ cục gấp bội: cả một đám tinh trùng bám vào nhau thành sợi dây dài, chuyển động và “tìm hiểu” đường ngang ngõ dọc.
Hệ sinh dục của bọ lặn cái cổ đại thực ra rất đơn giản. Nhưng vì lý do chưa xác định, chúng đã tiến hóa theo hướng ngày càng chằng chịt, rắc rối. “Có thể là vì con cái chỉ muốn tóm được tinh trùng tốt nhất, nhưng cũng có thể nguyên nhân chẳng liên quan gì đến con đực: cấu trúc này sẽ giúp chúng bảo quản trứng tốt hơn.
Y Lam