Người ta đã đưa ra vô vàn giả thuyết về mục đích ra đời của quần thể đá chồng Stonehenge - kỳ quan độc nhất vô nhị ở miền nam nước Anh, từ một kiểu lịch cổ đến nơi thờ cúng tín ngưỡng. Hiện tại, một nhà khảo cổ học đề xuất rằng, di tích Stonehenge có thể là thành quả của một nỗ lực nhằm bắt chước một ảo giác âm thanh.

Di tích bãi đá cổ Stonehenge đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986.

Theo Steven Waller, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ, chuyên về các yếu tố của âm thanh tại các di tích cổ, nếu hai người thổi sáo cùng biểu diễn trên một cánh đồng, những người quan sát đi bộ quanh họ sẽ nghe thấy một hiệu ứng lạ. Tại các thời điểm nhất định, các sóng âm thanh do một người thổi sáo tạo ra sẽ “khử” sóng âm thanh của người kia, tạo nên những điểm “hổng” âm thanh. Mô hình bao gồm các “điểm im lặng” này có thể là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bãi đá cổ Stonehenge, ông Waller phát biểu tại hội nghị thường niên mới đây của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ tại Vancouver, bang British Columbia, Canada.

Giả thuyết của Waller mang tính tự biện cao, nhưng những thử nghiệm thời hiện đại đã hé lộ rằng cấu trúc của di tích Stonehenge và các vòng tròn đá khác có mô phỏng ảo giác âm thanh nhờ các viên đá, thay vì cạnh tranh sóng âm, lại ngăn chặn âm thanh được tạo thành ở trung tâm vòng tròn. 

Để hậu thuẫn cho giả thuyết, ông Waller đã chỉ ra những chuyện thần thoại gắn kết quần thể Stonehenge với âm nhạc, chẳng hạn như biệt danh “đá thổi sáo” có từ thời xưa ở Anh dành cho các vòng tròn đá. Theo một truyền thuyết khác, bãi đá Stonehenge được tạo ra khi nghệ sĩ thổi sáo ma mị đã dẫn các trinh nữ vào cánh đồng để nhảy múa và sau đó biến họ thành đá.

Bãi đá cổ được các nhà khoa học phục dựng trên hình ảnh 3D

Waller cũng tiến hành thử nghiệm bằng cách đưa những người tình nguyện bị bịt mắt đi bộ vào một cánh đồng có hai người đang thổi sáo. Ông yêu cầu những người tình nguyên nói cho biết bất cứ khi nào họ nghĩ có rào cản tồn tại giữa họ và âm thanh. Thực tế không có rào chắn nào trên cánh đồng nhưng các “điểm im lặng” hình thành từ sự nhiễu sóng âm thanh chắc chắn đã tạo cho những người tình nguyện ấn tượng về sự tồn tại của chúng ở đó.

"Họ đã vẽ nên các cấu trúc, mái vòm và lỗ hổng tương tự như Stonehenge", ông Waller nói.

Waller tin rằng, những người xây dựng Stonehenge cách đây hơn 5.000 năm có thể đã nghe thấy ảo giác khử âm thanh này trong các lễ hội có sự tham gia của ban nhạc và coi nó là sự kỳ bí, dẫn tới sự ra đời của vòng tròn đá.

Mặc dù giả thuyết của Waller dường như vẫn chưa lý giải hoàn toàn được bí mật của Stonehenge nhưng ông bày tỏ hy vọng có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu âm thanh trong khảo cổ học. Waller cho biết thêm rằng, các bãi đá nghệ thuật cũng thường tọa lạc tại những khu vực có âm thanh hang động dễ tạo thành tiếng vang. Theo ông, điều này cho thấy người xưa đã phát hiện ý nghĩa của âm thanh.

"Hiện không ai chú ý đến âm thanh. Chúng tôi đã phá hủy âm thanh. Trong một số hang động [đá nghệ thuật] ở Pháp, họ đã mở rộng các đường hầm để xây dựng các đường ray tàu hỏa nhỏ nhằm lôi kéo khách du lịch trở lại, do đó hủy hoại âm thanh có thể là động lực cuốn hút thuở ban đầu”, ông Waller nhận định trên trang Live Science.

Quần thể đá chồng Stonehenge tọa lạc ở khu đồng hoang phía tây làng Amusbawn, trên đồng bằng Salisbury miền Nam nước Anh, cách London 137 km về phía tây nam. Chủ thể của trận đá khổng lồ này là một quần thể những cột đá lớn xếp thành một vòng tròn. Mỗi cột đá cao khoảng 4m, rộng khoảng 2m, dày khoảng 1m, nặng khoảng 25 tấn. Trong đó 2 cột đá nặng nhất khoảng 50 tấn. Trên một số cột đá còn có những tảng đá xếp ngang như xà nhà, tạo thành cổng vòm lớn.

Xung quanh những vòng tròn cột đá đồng tâm là một đường hào sâu 6m, rộng khoảng 21m. Đường hào này được đắp thành tường. Bên trong hào là 56 cái hố tạo thành một vòng tròn. Các hố hiện nay đã bị đá vôi lấp đầy, bên trong còn lẫn tro cốt của con người.

Ở đây có hai trận địa đá nhỏ do các cột đá vuông to nhỏ tạo thành. Những cột đá này cao khoảng 7,8m, nặng khoảng 28 tấn. Trên các cột đá dựng đứng cũng có các xà đá nằm ngang. Bên trong vòm đá là 3 tháp đá, 5 nhóm cột đá được xếp thành hình móng ngựa, cũng được gọi là cổng vòm. Cột đá cao nhất ở đây nặng tới 50 tấn. Hình móng ngựa này nằm ở trung tâm trận đá khổng lồ. Miệng của hình móng ngựa đối diện với hướng Mặt trời mọc giữa mùa hè (khoảng tháng 5 âm lịch).

Tuấn Anh