- Trong cuộc Hội thảo khoa học của Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.CHM về chiếc "máy phát điện chạy bằng nước" diễn ra ngày 10/3 tại TPHCM vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời rõ ràng, bản thuyết minh công trình nghiên cứu chưa mang tính thuyết phục khoa học.

TS.Nguyễn Chánh Khê (người ngoài cùng, bên trái) và cộng sự đang vận hành máy phát điện chạy bằng nước. Ảnh: Thanh Quý.
Trước đó, ngày 14/01 TS. Nguyễn Chánh Khê và các cộng sự tại Trung tâm nghiên cứu và triển khai (Khu Công nghệ cao TP.HCM) đã công bố nghiên cứu thành công “máy phát điện chạy bằng nước” gây xôn xao trong giới khoa học cũng như dư luận cả nước.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã được mời xem quá trình hoạt động của chiếc máy phát điện, chạy bằng nước. Nhiều thắc mắc nổi lên, đáng lưu ý nhất là thắc mắc về tên gọi của thành phần được cho vào nước là chất xúc tác hay chất khử.

TS. Nguyễn Chánh Khê tự đánh giá “ Công trình này có thể có giá trị lên hàng trăm tỷ USD (!). Hiện chúng tôi đã có đề xuất được hỗ trợ kinh phí để có thể hoàn tất quá trình nghiên cứu”.

Khi được hỏi về tên gọi chính xác của chất được cho vào nước tạo nên quá trình tác hydrogen ra khỏi nước để tạo thành điện, ông Khê cho rằng: “ Mọi người có thể nghĩ nó là hóa chất, chất xúc tác, chất khử hay gì cũng được. Tôi chỉ có thể nói là tổng hợp của rất nhiều chất, nhưng vì chưa được đưa vào sử dụng nên tôi chưa thể công bố”.

Cũng theo ông Khê thì chiếc máy phát điện chạy bằng nước được chủ động sản xuất từ A đến Z, và không có tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên cách giải thích của TS. Nguyễn Chánh Khê đã vấp phải thắc mắc của nhiều người  tham gia buổi hội thảo. GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên công nghệ thông tin Hưng Việt cho rằng: “Tôi đồng ý là nếu chiếc máy này được chế tạo thành công thì sẽ là một cuộc cách mạng công nghệ trên toàn thế giới và chuyện Việt Nam có giải Nobel là điều có thể nghĩ đến. Tuy nhiên tôi cảm thấy không thỏa mãn với buổi hội thảo hôm nay”.

Theo ông Hưng thì hiện nay công nghệ pin nguyên liệu hydro đã được thương mại hóa, vấn đề còn lại nằm ở vấn đề phân hủy nước và chất được cho vào nước đóng vai trò gì. Nếu đó là chất xúc tác thì nhiên liệu là nước và chất xúc tác phải còn nguyên sau khi phản ứng. Còn nếu là chất khử thì nhiên liệu chính là chất khử đó vì nó là chất tham gia, bị tiêu tốn trong phản ứng tạo hydro. Và cần có số liệu cho biết mức độ tiêu hao của chất khử đó.

“Tuy nhiên trong buổi hội thảo, chỉ mới có các câu hỏi được đưa ra chứ chưa có câu trả lời thích đáng nào”, ông Hưng khẳng định.

Cũng theo ông Hưng thì TS. Nguyễn Chánh Khê có thể giữ bí quyết về mặt công nghệ, đó là điều hiển nhiên, tuy nhiên cũng cần khoa học hóa để có thể thuyết phục mọi người về công trình nghiên cứu của mình.

Thanh Qúy