Với công trình thử nghiệm chế tạo một bầy robot tự động vận chuyển hàng hoá của các nhà nghiên cứu Đức, trong tương lai có thể áp dụng công nghệ tối ưu này trong giao thông vận tải.

Hệ thống robot tự vận chuyển có thể thay thế phương pháp bốc xếp hàng hóa hiện tại. Ảnh: TheEnginner.
Hàng loạt “xe” di chuyển tới lui nhộn nhịp như con thoi, tiếp vận nguyên vật liệu, hàng hóa xếp vào kho và lấy hàng từ kho ra xe. Tất cả đều tự động không cần bộ điều khiển hay trung tâm điều khiển mà mọi thao tác đều chính xác. Đó là công trình sáng tạo tại Viện Fraunhofer, Liên bang Đức.

Khi kho nhận được một đơn đặt hàng, các robot con thoi (shuttle) tự giao việc cho nhau, mọi thông tin đều kết nối qua mạng internet không dây, và “xe” nào gần vị trí để hàng nhất sẽ tiếp nhận hàng để vận chuyển. Tất cả thực thi nhiệm vụ một cách mau lẹ, an toàn.

Ông Thomas Albrecht, người đứng đầu hệ thống tiếp vận tự động tại Viện Fraunhofer cho biết: “Các “xe” tự hành, tự kiểm soát một cách thông minh, giống như đàn kiến đi lấy thức ăn và vận chuyển về tổ, vận trù một cách tối ưu.

Các nhà nghiên cứu đang cho 50 “xe” hoạt động, tự xử lý công việc bốc dỡ hàng hóa cũng như xếp hàng vào kho một cách trật tự, ngăn nắp tại công ty tiếp vận Demactic với diện tích sàn kho 1.000 mét vuông và 600 kệ hàng, ngoài ra “xe” còn đảm nhiệm 8 trạm thu hái.

Các “xe” di chuyển  bằng một cảm biến dựa trên các tín hiệu vô tuyến. Nhận biết khoảng cách nhờ cảm biến và máy quét laser để tự tìm ra quãng đường ngắn nhất, thông thoáng nhất để đến đích mà không phải tránh né va chạm gì.

GS. Michael, giám đốc Viện Fraunhofer bày tỏ rằng: “Trong tương lai trong giao thông vận tải có thể áp dụng công nghệ tối ưu này. Bầy robot sẽ thay thế các phương tiện vận tải thông thường hiện nay”.

Theo ông Albrecht, các hệ thống tự động linh hoạt hơn và có khả năng mở rộng hơn so với phương pháp bốc xếp vận chuyển khác, bởi nó dễ dàng điều chỉnh trong diện tích kho hàng dù nhỏ hẹp hay rộng lớn, kể cả biến động về vận chuyển bốc dỡ hàng hóa vẫn thực hiện theo nhu cầu.

Một yếu tố quan trọng là các “xe” đều di chuyển theo quãng đường tối ưu về cả khoảng cách lẫn mức độ thông thoáng trong lưu thông. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ thực hiện cải tiến hoàn toàn công tác tiếp vận hàng hóa không những trong phạm vi kho bãi mà cả trên các tuyến đường giao thông nhằm tăng cao lợi ích kinh tế xã hội.

Nguyễn An