Nhiều người có thói quen khi cần “đánh hơi” một mùi gì đó thì nhắm mắt lại, cứ nghĩ là làm như vậy có thể tập trung sự cảm nhận hơn. Có đúng như vật không?

Nhắm mắt khi ngửi không có nghĩa là bạn có thể cảm nhận được trọn vẹn mà ngược lại.
Trên tạp chí Neuroscience, công bố một nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh kích hoạt khu vực phụ trách việc nhìn trên não sẽ làm tăng sự nhạy cảm với mùi. Kết quả này phủ nhận giả thuyết của các nhà sinh lý học thần kinh cho rằng mỗi cơ quan cảm giác là một phần độc lập của bộ não. Ví dụ những tín hiệu của cơ quan thị giác (võng mạc) chỉ truyền tới vùng thị giác, còn những tín hiệu của cơ quan khứu giác (niêm mạc mũi) chỉ truyền tới vung khứu giác.

Thí nghiệm chứng minh nói trên có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Viện thần kinh Montreal, Trường ĐH McGill tại Canada và Trung tâm giác quan hoá học Monell tại Philadelphia (Mỹ). Họ cho những người tình nguyện ngửi các mùi khác nhau trước và sau khi kích thích vùng thị giác trên não bằng từ trường. Phương pháp này thường được các bệnh viện dùng để chữa một số loại bệnh.

Thí nghiệm đã chứng minh rằng việc kích thích vùng phụ trách quá trình nhìn trên não bằng từ trường có tác dụng đặc biệt đến khứu giác: khả năng cảm nhận mùi của những người tình nguyện tăng lên rất mạnh. Nhìn và ngửi liên quan  mật thiết đến nhau.

Từ những kết quả đó, các nhà khoa học nêu giả thuyết về tác động qua lại của các khu vực phụ trách các cơ quan cảm giác thông qua mối liên hệ giữa khứu giác và thị giác. Giả thuyết này hiện đã được thừa nhận: các neuron của vùng thị giác được cấu tạo thành một mạch nối liền với “ bộ máy phân tích mùi” của khứu giác.

Bảo Châu