Một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí PLoS cho rằng, phụ nữ càng cao và có chỉ số BMI (tỉ lệ của khối lượng so với bình phương của chiều cao) càng lớn thì càng có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn.

Phát hiện này được đánh giá là rất có ý nghĩa, vì tại các quốc gia có thu nhập cao, chiều cao và chỉ số BMI trung bình của phái nữ đã đều đặn tăng khoảng 1cm và 1 kg/m2 mỗi thập kỷ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu như tất cả các tác nhân gây ra bệnh ung thư buồng trứng đều bất biến thì việc chân dài ra và cân nặng tăng sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh tăng khoảng 3% mỗi thập niên.

Phụ nữ "chân dài" dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đã đi đến kết luận trên sau khi phân tích dữ liệu cá nhân của từng bệnh nhân trong 47 nghiên cứu trước đó về ung thư buồng trứng. Cụ thể, họ đã khảo sát tới trên 25.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng và hơn 81.000 người không mắc ung thư, tập hợp từ 14 quốc gia khác nhau.

Theo đó, cứ mỗi 5cm chênh lệch về chiều cao sẽ khiến nguy cơ phát triển tế bào ung thư tăng lên đáng kể. Đối với BMI, nguy cơ còn tùy thuộc vào việc họ đã trải qua điều trị hormone mãn kinh hay chưa.

“Phụ nữ có thể giảm bớt nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng bằng cách duy trì một cân nặng lành mạnh. Với những ai đang muốn giảm cân, phương pháp tốt nhất là ăn uống điều độ, khoa học, chia làm nhiều bữa và tích cực vận động”, Tiến sĩ Paul Pharoah, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ gia tăng nguy cơ thực ra không quá lớn. “Nếu chúng ta so sánh một phụ nữ cao 1,5m với một phụ nữ cao 1m65, mức chênh tương đối là 23%. Tuy nhiên, chỉ số chênh lệch tuyệt đối lại nhỏ. Những phụ nữ thấp có tỷ lệ mắc bệnh là 16/1000 người, trong khi ở nhóm phụ nữ cao ráo là 20/1000 người”.

Y Lam