Ngay sau trận động đất mạnh xảy ra ngoài khơi Indonesia, nhà chức trách nước này đã phát đi báo động về nguy cơ sóng thần.
Theo DailyMail, trận động đất có cường độ 8,7 độ richter xảy ra tại Aceh, tỉnh cực tây Indonesia đã từng bị tổn thất nặng nề trong thảm họa ngày Boxing Day năm 2004. Tâm chấn động đất nằm dưới đáy biển 20 dặm và cách thủ phủ Banda Aceh khoảng 308 dặm. Còn trận động đất xảy ra cách đây 7 năm có cường độ 9,1 độ richter, kéo theo thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương khiến 230.000 người thiệt mạng. Gần ba phần tư trong số đó ở Aceh.
Theo cơ quan Thủy văn và Địa chất Indonesia, nước này nằm trên một loạt các đường đứt gãy địa chấn của khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương nên luôn chịu ảnh hưởng của các hoạt động núi lửa, động đất.
Các chuyên gia địa chấn cũng đã lập bản đồ khu vực đã bị dư chấn và động đất tấn công, trong đó các bong bóng sẽ hiển thị những khu vực dễ xảy ra sóng thần nhất.
Các bong bóng hiển thị những khu vực dễ bị sóng thần tấn công nhất. |
Trong khi đó, nguồn tin từ AP cho hay, trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình dương tại Hawaii đã ban hành cảnh báo sóng thần đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, liên quan đến khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Australia, Myanmar, Thái Lan, Maldives và các quốc đảo láng giềng, Malaysia, Pakistan, Somalia, Oman, Iran, Bangladesh, Kenya, Nam Phi và Singapore.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng việc theo dõi sóng thần không đồng nghĩa với việc sóng thần sẽ xảy ra. Hiện tại vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào về sóng thần, song một trận động đất với cường độ mạnh như hôm nay tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, và việc giám sát chặt chẽ diễn biến địa chất của khu vực này là không thể lơ là, một quan chức của Trung tâm cho biết.
Ở Việt Nam, những người dân tại các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng cảm nhận được sự "rung lắc" mạnh sau trận động đất mạnh ở Indonesia.
Trọng Cầm