Để nổi tiếng thế giới, người ta có thể nhảy múa, chơi một nhạc cụ hoặc chạy rất nhanh. Song cũng nhưng kẻ nổi tiếng mà chẳng cần phải có tài năng, có vẻ đẹp mê hồn hoặc một tính cách thuyết phục nào. Chẳng hạn một con vật có thể được hàng triệu người hâm mộ chỉ vì có khuôn mặt… giống người.

Khuôn mặt ngộ nghĩnh của Heidi thu hút 80 nghìn người hâm mộ trên facebook. Ảnh: Internet.

Ngôi sao vừa xuất hiện trên Internet chẳng phải là một cô gái chân dài trong một phim khoả thân mà là một con thú có túi (opossum, tên khoa học là Didelphidea) có tên là Heidi. Nàng Heidi tại vườn thú Leipzig có một đội ngũ fan rất đông đảo nhờ vẻ gì đó rất riêng của nàng tạo ra ở người xem các ấn tượng hết sức khác nhau. Cặp mắt lác của Heidi làm cái miệng của nàng có một vẻ ngộ nghĩnh đáng yêu lạ lùng.

Cô nàng mắt lác này là kẻ nhập cư vào nước Đức. Heidi cùng em gái nàng được mang từ bang North Carolina sang và hai chị em ở lại đây và trở nên nổi tiếng. Hàng trăm nghìn người đã ghé trang Facebook của nàng và con số này đang tăng nhanh. Cặp mắt lác của Heidi lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Họ hỏi vườn thú giải phẫu ra sao đề nàng gấu túi có cặp mắt lạ thế. Các bác sĩ thú y đã kiên trì giải thích điều này.

Bác sĩ thú y Stefan Kraay trả lời: "Có thể đó là một khuyết tật di truyền, các cơ trong mắt không chuyển động đồng bộ. Cũng có người bảo vì nàng quá béo mà các cơ bị kéo lệch đi.   

Nhiều người chưa thấy một con thú mắt lác bao giờ. Sự ngộ nghĩnh đó gợi ý cho một hàng sản xuất đồ chơi ở Đức đã sản xuất ra một con thú nhồi bông mắc lác giống hệt Heidi.

Trước đây Đức đã từng tung ra rất thành công con thù nhồi bông Knut và chàng bạch tuộc Paul.   Sở dĩ Knut được yêu mến vì trong hơn 30 năm qua, Knut là con gấu Bắc cực đầu tiên được sinh ra ở Sở thú Berlin. Một chi tiêt khiến Knut còn được thương yêu hơn nữa là ngay sau khi ra đời Knut và em của nó bị mẹ hắt hủi, không hề chăm sóc.

Em của Knut bị chết 4 ngày sau đó và Knut vẫn chưa mở mắt. Người lao công ở Sở thú là Thomas Dorflein đã ôm con gấu về nuôi và cho bú bình.

Hành động của ông bị những nhà hoạt động trong phong trào bảo vệ quyền thú vật phản đối kịch liệt. Theo họ khi một con gấu bị mẹ chối bỏ nhất định có nguyên nhân, ví dụ Knut có một khuyết tật nào đó và ông ta mang về nuôi có nghĩa là ông đã can thiệp vào sự chọn lọc tự nhiên.

Chính sự tranh cãi ồn ào xung quanh chú gấu bé nhỏ ấy đã làm người ta chú ý đến nó và đâm ra yêu mê mệt con gấu bắc cực này. Sở thú đã nhận được rất nhiều tiền người ta gửi cho Knut. Knut trở thành một biểu tượng và người ta nghĩ ra biết bao nhiêu đồ kỷ niệm mang hình ảnh và bán rất chạy. Phim về Knut, sách về Knut đều trở thành đồ best-seller.

Song có lẽ còn nổi tiếng hơn hai con thú trên là chú bạch tuộc Paul tại Trung tâm nghiên cứu hải dương học Oberhausen. Paul đã đoán trước kết quả của nhưng trận đầu có đội tuyển bóng đá Đức tham dự tại World Cup và chưa bao giờ sai.

Sự đoán trước chính xác kỳ lạ đó khiến Paul trở thành kẻ thù của rất nhiều fan bóng đá (và những người cá cược). Họ dọa sẽ “tóm cổ” Paul để đưa lên bàn nhậu, nhưng Paul đã chết một cái chết tự nhiên vào ngày 26-10-2010. Quanh chú bạch tuộc này có biết bao nhiêu huyền thoại cũng như các giả thuyết về một vụ bịp bợm lớn.

Ngay sau khi Paul chết, nhà đạo diễn Trung Quốc Xiao Jiang cho biết ông đang sản xuất một bộ phim có tên là “Hãy giết Paul đi”. Nhà làm phim cho rằng Paul đã chết hai ngày trước khi World Cup khai mạc nhưng thông tin này bị che giấu và các clip được đưa lên mạng về dự đoán của Paul đều là giả.

Tuấn Hà (Theo Pravda.ru)