Ngành công nghiệp chế tạo tên lửa của Triều Tiên được đánh giá là bước sang một chương mới với dòng tên lửa có tên Unha.
Tháng 4/2009, Triều Tiên đã phóng thử vệ tinh thứ hai có tên Kwangmyongsong-2 (tức Bright Star 2) thông qua tên lửa đẩy Unha-2 (tức Galaxy-2) lên quỹ đạo. Thực chất, Unha-2 là một biến thể hiện đại, cao cấp, ba tầng của tên lửa Taepodong-2. Thế nhưng có vẻ như tầng thứ ba của Unha-2 đã không kích hoạt sau khi phóng và kết quả là vệ tinh Bright Star 2 đã rơi xuống đáy biển Thái Bình Dương.
Dòng tên lửa Unha được đánh giá là một bước tiến mới của công nghệ tên lửa Triều Tiên |
Theo ước tính của hai nhà vật lý học David Wright và Theodore Postol, Unha-2 cao khoảng 30m và nặng từ 80-85 tấn. Tầng thứ nhất của tên lửa, nhiều khả năng là sử dụng động cơ Nodong. Tầng thứ hai có vẻ giống hệt với tên lửa đạn đạo Soviet R-27 đời cũ của Liên xô cũ trong khi tầng thứ ba rất giống với tên lửa đẩy Safir-2 của Iran. Wright và Postol tin rằng đây là bằng chứng “mạnh mẽ” cho thấy Triều Tiên và Iran đã hợp tác với nhau trong chương trình tên lửa.
Phân tích của hai tác giả này cũng cho thấy, công nghệ của Unha đã hiện đại và ưu việt hơn đáng kể so với các dòng tên lửa trước đó và đủ sức bay sâu vào lãnh thổ Mỹ, mang theo đầu đạn lên tới 1 tấn hoặc hơn, “với điều kiện Triều Tiên chỉnh sửa Unha thành tên lửa đạn đạo”.
Hiện thông tin về công nghệ mà tên lửa Unha-3 sử dụng cũng đang được phương Tây ráo riết tìm hiểu, song nhiều khả năng nó sẽ vẫn giống với Unha-2. Đây cũng là một tên lửa ba tầng và cao 30 mét.
Y Lam