Ung thư vú là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất và các nhà khoa học thế giới vẫn đang tìm các thứ thuốc có hiệu quả để chữa trị. Các chuyên gia Australia vừa tuyên bố họ phát hiện nọc độc của một loài nhện có hiệu quả vượt những thuốc chữa bệnh này hiện có, trang mạng Cairns của Australia cho hay.
Các nhà khoa học tin rằng nọc độc của nhện có thể chữa ung thư vú. Ảnh minh họa.
Nữ giáo sư Norell Daily, Trường ĐH đã nhận được kinh phí 200.000 đôla của Qũy chống ung thư vú Australia để xác định nọc độc của nhện tarantula Nam Mỹ và nhện quạ Sydney có khả năng giết chết các tế bào ung thư tuyến vú

Nhà nghiên cứu cho biết: "Nọc nhện là một ứng cử viên triển vọng vào vai trò thuốc chống ung thư. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành những nghiên cứu lâm sàng vì vậy còn quá sớm để đưa ra kết luận, mà chỉ có thể nói về tiềm năng của chất độc thiên nhiên này”.

Nữ giáo sư Daily đang kiểm tra lý thuyết của mình trong điều kiện phòng thí nghiệm bằng cách chiết tách hàng trăm chất khác nhau từ nọc nhện. Sau đó bà đưa từng chất vào môi trường chứa tế bào ung thư để quan sát phản ứng của chúng. Bà hy vọng rằng hỗn hợp các chất trong nọc nhện không những kìm hãm được sự lây lan của tế bào ung thư mà còn trục xuất được chúng hoàn toàn ra khỏi cơ thể.

Năm ngoái, các nhà khoa học Israel, Trường ĐH Tel-Aviv cũng  tìm ra một loại văcxin chống ung thư mới dựa trên cơ chế kích thích hệ miễn dịch, giúp cơ thể phát hiện các ổ tế bào ung thư và hạn chế chúng lây lan.

Hoạt chất trong loại thuốc mới có khả năng xác định vị trí của khối u do sự xuất hiện một chất protid đặc biệt gọi là MUC1 trên màng của nhiều tế bào ung thư. Chất này cũng có trên các tế bào lành những với lượng cực nhỏ, nên sau khi tiêm văcxin phản ứng của chúng với thuốc là không đáng kể.

Các nhà khoa học Israel thông báo tiêm văcxin hiện đại có hiệu quả chống lại một số bệnh ung thư như ung thư tuyến thượng vị, buồng trứng, ung thư vú và u tủy. Việc sử dụng thuốc là phương pháp triệt để vì diệt tận gốc sự hình thành khối u ác tính, có thể so sánh với sự can thiệp bằng phẫu thuật.

Vài năm trước các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Harvard cũng đưa ra một loại văcxin chữa u ác tính trên da và thử nghiệm thành công trên chuột. Đây được xem là một bước quan trọng trên con đường tạo ra những văcxin chống ung thư có hiệu quả.

Bảo Châu