“Cho đến giờ phút này chưa có cơ sở khoa học nào để kết luận rằng nguyên nhân gây cháy nổ động cơ ô tô, xe máy là do xăng, dầu”, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, khẳng định trong cuộc Hội thảo “Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn cộng đồng” sáng nay, 25/4.
Nhiều vụ cháy xe diễn ra trong thời gian gần đây khiến người dân hoang mang. |
Sáng nay, 25/4, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ” với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội người tiêu dùng…
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA) đã đặt vấn đề do xăng, dầu dởm, lẫn các hỗn hợp hydrocacbon. Ông có vạch ra thủ đoạn làm xăng, dầu dởm; xăng cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp tương tự,…
Tiếp đó, tham luận của TS. Đinh Ngọc Ân, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đặt vấn đề xăng lẫn tạp chất và sự nguy hiểm đến an toàn của động cơ ô tô, xe máy. TS. Ân có nêu nguyên nhân cháy nổ ngoài nguyên nhân do xăng còn có những nguyên nhân như tác phong làm bừa, làm ẩu và gian dối của thợ bảo dưỡng sửa chữa xe cũng như để các vật dễ cháy ở cổ xả của động cơ, nhất là đối với xe ga, do trong vỏ kín, khó kiểm tra, khi cổ xả nóng đỏ và bén lửa, bốc cháy.
Sau một số báo cáo tham luận, đến phần thảo luận rất sôi nổi, nhiều ý kiến, của các nhà khoa học, nhưng cũng chưa ai chứng minh được “thủ phạm” gây cháy nổ động cơ ô tô, xe máy là xăng.
Ông Nguyễn Quang Kiên, PTGĐ Tập đoàn Petrolimex, cho biết, Việt Nam tuy có 13 đầu mối xăng dầu, nhưng nhà nước có quy chế kiểm tra chất lượng xăng dầu nghiêm túc, gồm 15 chỉ tiêu rất khắt khe, hơn cả kiểm tra chất lượng dược phẩm và sữa. Do vậy, có thể khẳng định nguyên nhân cháy nổ các động cơ ô tô, xe máy không phải nguyên nhân do xăng gây ra. Chẳng hạn người tiêu dùng nghi ngờ trong xăng có lẫn nước. Thực chất nước không thể hòa trộn được với xăng. Nếu vì mục đích lợi nhuận mà pha nước thì lại càng không thể.
“Cho đến giờ phút này chưa có cơ sở khoa học nào để kết luận rằng nguyên nhân gây cháy nổ động cơ ô tô, xe máy là do xăng, dầu”, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, khẳng định.
Việc tìm nguyên nhân cháy nổ động cơ ô tô, xe máy đã được Chính phủ chỉ đạo một số bộ ngành làm sáng tỏ, và chúng ta chờ kết luận một cách khoa học của các cơ quan hữu trách trong một ngày gần đây.
PV VietNamNet