Nếu không có chính sách phù hợp và mang tính đột phá thì chắc chắn sẽ không chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học, kỹ thuật viên và công nhân có đủ trình độ để vận hành nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói trong cuộc đối thoại trực tuyến sáng ngày 5/5.

Ông Quân cho hay, hiện tại nước ta đang có một đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực hạt nhân tương đối mạnh, song, đội ngũ này bắt đầu có tuổi và chúng ta cần phải có thế hệ trẻ thay thế để tiếp cận với tri thức khoa học mới về công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực rất vất vả và phải chịu đựng rủi ro trong suốt cả cuộc đời nên để thu hút cán bộ trẻ làm việc trong lĩnh vực này cần phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng

Bộ trưởng Nguyễn Quân tại buổi đối thoại trực tuyến 5/5. Ảnh: Chinhphu.vn

Nếu chúng ta không kịp thời công bố, công khai chế độ đối với những người đi học về năng lượng hạt nhân, công nghệ hạt nhân cũng như công khai chế độ đối với những người sẽ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu trong nhà máy điện hạt nhân thì chắc chắn không thu hút được những người giỏi vào làm việc trong lĩnh năng lượng hạt nhân nói chung cũng như nhà máy điện hạt nhân nói riêng”, ông Quân nói.


Hiện tại, Chính phủ đã có một chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân trong đó có dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực này từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học cũng như đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ để đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân công vận hành nhà máy ĐHN.

Trong chương trình này, ngoài việc gửi các cán bộ đi đào tạo cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ trong lĩnh vực hạt nhân ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ, chúng ta cũng có phương án đào tạo trong nước. Ban chỉ đạo Nhà nước về Dự án điện hạt nhân đã giao cho các trường đại học kỹ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng,… phối hợp để đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ngay tại Việt Nam, Bộ trưởng Quân cho hay.

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng đã đồng ý giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân với tổng kinh phí lên tới 500 triệu USD. Trung tâm sẽ là cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các lĩnh vực về điện hạt nhân. Đây là trung tâm nghiên cứu chủ lực trong ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quân, yếu tố then chốt của vấn đề nhân lực điện hạt nhân vẫn nằm ở chính sách đãi ngộ. “Có thể dành ra hàng chục USD để xây dựng điện hạt nhân thì chúng ta nên dành một tỷ lệ thích đáng để đào tạo và đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được sự an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của điện hạt nhân trong tương lai”, ông Quân nói.

Về vấn đề an toàn trong việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Bộ trưởng Quân cho rằng, hiện tại chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm để trực tiếp giám sát quá trình xây dựng. Vì vậy chúng ta sẽ thuê tư vấn giám sát nước ngoài, đặc biệt là những cơ quan có kinh nghiệm xây dựng nhà máy ĐHN trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng gửi các chuyên gia đi đào tạo ở nước ngoài để có đủ trình độ giám sát quá trình xây dựng nhà máy và đưa nhà máy vào vận hành.

Trước những ý kiến về vấn đề an toàn của điện hạt nhân, Bộ trưởng Quân khẳng định, nếu như không có những sự cố khủng khiếp như thảm hoạ kép động đất, sóng thần thì các nhà máy điện hạt nhân có thể nói là an toàn và kinh tế hơn so với các nhà máy điện khác.

Bên cạnh đó, theo ông Quân, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là nhu cầu tất yếu, bởi lẽ, từ nay tới năm 2020, chúng ta vẫn chưa tìm thấy công nghệ nào để sản xuất điện thay thế được nguồn năng lượng cổ điển như than, dầu, khí thiên nhiên và hạt nhân. “Hy vọng trong tương lai, chúng ta có công nghệ khác, nguồn năng lượng khác thì không phải tiếp tục phát triển điện hạt nhân”, ông Quân nói.

Lê Văn