- Sáng qua, ngày 8/5, các chuyên gia Việt Nam và Mỹ bắt đầu xem xét thiết kế kỹ thuật công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. |
Trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 70 triệu lít chất làm rụng lá, trong đó có loại chứa dioxin xuống miền trung và nam của Việt Nam. Dioxin là chất có liên quan đến một loạt bệnh tật và dị tật ở người, mà theo ước tính có 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi sự phơi nhiễm.
Sân bay Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng về dioxin tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của một công ty Canada, mức ô nhiễm dioxin tại một số điểm ở khu vực này cao gấp hàng trăm lần mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Cần phải xử lý đất bằng phương pháp thích hợp này mới có thể coi là an toàn, không gây độc hại với sức khỏe con người.
Các chuyên gia kỹ thuật USAID cho biết họ đã chọn để áp dụng tại đây một công nghệ tẩy sạch dioxin đã được kiểm nghiệm trên thế giới dựa trên tiêu chí về về tác động môi trường và đảm bảo an toàn. Đó là phương pháp pháp giải hấp nhiệt trong mố (IPTD).
Toàn bộ lớp đất nhiễm dioxin sẽ được đưa vào lò phân hủy (còn gọi là mố IPTD) với bề rộng 70m, cao 6m, dài trên 80m, sau đó, nguồn điện có công suất khoảng 6MW được dẫn trực tiếp vào lò. Khi nhiệt độ đến mức 300 - 350°C, độc tố trong đất sẽ bị phân hủy.
Đất nhiễm hóa chất, bùn sông có độc tố xung quanh sân bay Đà Nẵng tổng khối lượng 72.900 m3, trên tổng diện tích 191.400 m2 sẽ được cào xới và đưa về địa điểm xử lý. Sau đó sẽ được đưa lại vị trí cũ, người dân có thể yên tâm trồng cây, chăn nuôi.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào tháng 8 năm 2012, công việc sẽ được triển khai tại thực địa do đơn vị 33 của Bộ Quốc phòng, các nhà thầu về phía Mỹ và sân bay Đà Nẵng đảm nhiệm. Với công suất xử lý 2,4 tấn đất/ngày, các chuyên gia hy vọng sẽ xử lý triệt để chất độc hóa học dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào năm 2013. Dự kiến, việc thực hiện dự án làm sạch dioxin tại sân bay Đà Nẵng là khoảng 43 triệu USD.
Tiếp theo sẽ thực hiện những công việc tương tự tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định), những nơi đã từng được dùng làm kho chứa chất diệt lá của quân đội Mỹ trước đây.
PV Vietnamnet