Những con voi mammoth “bé hạt tiêu” này không sở hữu bộ lông dày đặc như len của mammoth bình thường. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu tin rằng chúng thích nghi với môi trường ấm hơn và có hình thức giống với giống voi châu Phi/châu Á hiện đại hơn.
Hóa thạch voi tìm thấy ở đảo Crete là của một loài mammoth "lùn" nhất thế giới |
Từ hóa thạch còn lại, các nhà nghiên cứu ước đoán chiều cao khi đứng của voi mammoth lùn chỉ tầm 1 mét trở xuống. Họ tin rằng phát hiện này sẽ giúp khoa học hiểu thêm về khả năng thu nhỏ cơ thể của những loài động vật khổng lồ trong giai đoạn tiến hóa để tồn tại.
“Xu hướng lùn hóa thường xảy ra ở những loài động vật cỡ lớn khi chúng bị mắc kẹt trên các hòn đảo, bao gồm cả khủng long. Nhờ đó mà chúng có thể sống sót qua những hạn chế hiển nhiên của môi trường sống trên đảo”, các chuyên gia nhận định.
Giống voi lùn Địa Trung Hải cổ đại là thí dụ đặc biệt điển hình của xu hướng lùn hóa do đảo này. Trải qua 800.000 năm tiến hóa, trọng lượng của chúng chỉ còn bằng 1/100 so với tổ tiên của mình.
Nhà khảo cổ học Victoria Herridge của Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích các hóa thạch tìm thấy ở đảo Crete từ cách đây hơn một thập kỷ - vốn luôn là đề tài tranh luận trong giới về việc chúng thuộc về loài voi mammoth hay voi thông thường.
Những mẩu răng hóa thạch được tìm thấy gần đây ở cùng khu vực cho phép Herridge suy đoán rằng đó chính là voi mammoth. Một xương chân trước tìm thấy cũng gợi ý về chiều cao tính tới vai khoảng 1,13 mét và cân nặng xấp xỉ 310 kg, tương đương với một con voi châu Á “baby”.
Y Lam