Thế giới của các điệp viên luôn đầy bí ẩn và khơi gợi trí tò mò của công chúng. Những cuốn sách viết chung gần đây của Peter Earnest – giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp quốc tế ở Washington với nhà sử học H. Keith Melton và Robert Wallace – cựu phụ trách phòng kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã hé lộ một số mánh khóe “tác nghiệp” đặc trưng và hiệu quả của các điệp viên.

Sổ ghi chép dễ cháy


Trong Thế chiến thứ hai, các điệp viên Mỹ có thể lưu giữ những thông tin nhạy cảm trong một cuốn sổ ghi chép đặc biệt, chứa các tấm màng dễ bốc cháy khi được kích hoạt bằng một bút chì chuyên dụng. Hoạt động giống như một quả lựu đạn, giấy trong cuốn sổ sẽ bốc cháy và mọi thứ sẽ biến mất chỉ trong vài giây.

Các tập giấy ghi chép dùng một lần của CIA từng được các điệp viên dùng để bảo vệ những thông tin mã hóa. Sau khi sử dụng, các tờ giấy có thể bị xé nát và pha hủy.

Về sau, CIA đã sáng chế ra loại giấy hoà tan trong nước. Các điệp viên có thể viết lên loại giấy này và trong trường hợp nguy cấp, có thể nhanh chóng ném giấy vào bồn cầu và giật nước xả.

Thiết bị phát tín hiệu tí hon


Trong những năm 1960, sự ra đời của vi mạch là một bước đột phá quan trọng. Trước đó, các máy phát tín hiệu không đáng tin cậy và đòi hỏi các cục pin lớn.

“Vi mạch đã giúp giảm tiêu thụ điện năng, nâng độ tin cậy lên 100% và cho phép giảm kích cỡ thiết bị phát tín hiệu mới xuống bằng 1/10 kích thước các mẫu cũ. Điều đó có nghĩa là, bạn có thể mang theo con bọ điện tử tới bất kỳ nơi nào mà mình muốn”, ông Wallace viết.

Khi các đồ tiếp tế của Mỹ được thả bằng dù xuống những vùng rừng xa xôi trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã cho gắn thêm những đèn hiệu nhỏ xíu giúp binh lính Mỹ có thể lần theo dấu vết của chúng. Tương tự, các điệp viên có thể mang theo các đèn hiệu ngụy trang như một cành lá hoặc cây gậy và để nó tại một địa điểm xác định và không lâu sau đó, đội quân tiên phong sẽ tới tập kích mục tiêu.

“Hộp thư chết”


Một kỹ thuật gián điệp nổi tiếng có tên gọi “hộp thư chết”, liên quan đến việc đặt một món đồ hoặc một thông điệp vào trong một thiết bị nào đó quy ước là “hòm thư”. Điệp viên sau đó ra tín hiệu cho người sử dụng rằng hòm thư đã được lập, trong quá khứ có nghĩa là đánh dấu một biển chỉ đường hoặc góc tòa nhà bằng phấn, Peter Earnest tiết lộ.

Các đồng xu rỗng có thể được dùng để chứa thông điệp. Mặc dù khoảng trống bên trong chúng rất nhỏ nhưng các điệp viên có thể nhét vừa ảnh chụp tài liệu thu nhỏ bằng một dấu chấm. Hệ thống chữ viết cực nhỏ do CIA phát triển trong những năm 1960 và 1970 này đòi hỏi phải có một máy khuyếch đại công suất lớn để đọc những thông điệp được giấu kín.

Vụ gián điệp nổi tiếng nhất có liên quan đến một đồng xu rỗng đã xảy ra vào năm 1953, khi một điệp viên Nga vô tình trao đồng xu mạ kền rỗng cho một cậu bé bán báo. Khi cậu bé đánh rơi đồng xu, một bức ảnh siêu nhỏ lọt ra ngoài. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mất tới 4 năm để giải mã những chỉ dẫn được mã hóa trong bức ảnh tí hon đó.

Hình nộm thế thân


Để tránh bị phát hiện, các điệp viên sử dụng những bản đồ in trên lụa, chất liệu không gây tiếng ồn sột soạt. Ban lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Anh MI6 từng ban hành những khuy măng séc có chứa la bàn tí hon từ cuối những năm 1930 tới giữa những năm 1940.

Một thủ thuật mà Wallace và đồng tác giả đề cập tới trong cuốn “Spycraft” liên quan đến việc sử dụng thiết bị có biệt danh “hình nộm trong hộp”. Thiết bị đơn giản này là một va ly chứa một hình nộm có vẻ ngoài giống hệt điệp viên từ vai trở lên. Nếu một điệp viên trong xe hơi muốn tẩu thoát khỏi sự theo dõi, anh ta/cô ta có thể chờ tới đoạn ngoặt, mở “hình nộm trong hộp” và lăn người thoát ra khỏi xe từ ghế khách.

Bí mật theo dõi


Theo dõi bí mật vẫn là một đặc trưng của các hoạt động gián điệp. Trong cuốn "Spycraft", Wallace và Melton mô tả các camera được giấu ở những nơi bất thường, thiết bị thu âm nghe lén đàm thoại xuyên tường và thậm chí cả một cái tẩu gắn máy thu giúp điệp viên có thể ngậm tẩu và phát hiện các hoạt động liên lạc vô tuyến thù địch.

Trong những năm 1970, CIA đã phát triển một thiết bị bay không người lái siêu nhỏ, có hình dáng chuồn chuồn. Đến năm 2003, khi ban lãnh đạo bộ phận Khoa học và Công nghệ của CIA kỷ niệm 40 năm thành lập, họ đã cho công bố mẫu cá trê robot có biệt danh “Charlie”. Được chế tạo từ năm 2000, sứ mệnh thực sự của thiết bị này chưa từng được hé lộ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nó có thể được dùng để lấy mẫu và kiểm tra nguồn nước quanh các nhà máy hay cơ sở hạt nhân.

Khi mới trình làng, hãng thông tấn AP đã dẫn lời một nhà khoa học cho hay, Charlie trông giống cá trê thật đến mức ở dưới nước, những động vật săn mồi có thể tấn công nó. Hiện tại, về mặt công khai, nhiều cơ quan đang sử dụng loại cá robot này cho những mục đích giám sát môi trường.

… Còn tiếp …

Tuấn Anh