Hiện tượng “người gây cháy” hay “Pyrokinesis” là thuật ngữ do tiểu thuyết gia truyện kinh dị Stephen King nghĩ ra nhằm chỉ khả năng tự tạo và kiểm soát lửa bằng trí não của con người mà ông dành cho nhân vật Charlie McGee trong tác phẩm “Firestarter” của mình. Tuy nhiên, trong đời thực cũng có một số trường hợp như Charlie McGee và cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra giải đáp đầy đủ về những hiện tượng này.
Hiện tượng không hiếm
Nếu chịu khó sục sạo kho lưu trữ thông tin của nhân loại, bạn có thể bắt gặp các bài báo về những “thầy phù thủy lửa”. Tháng 12/1886, tờ New Zealand Times từng đưa tin về câu chuyện kỳ lạ của Willie Brough, 12 tuổi ở thị trấn Turlock, Madison, California (Mỹ). Với khả năng đốt các đồ vật “bằng ánh mắt”, Brough đã bị chính cha mẹ đẻ ruồng bỏ vì cho rằng con trai họ bị quỷ ám. Cậu bé cũng bị đuổi học vì gây ra các vụ cháy dị thường ở trường.
Những người có thể tạo ra lửa thường bị quy là "phù thủy" hoặc bị quỷ ám. Ảnh minh họa: WordPress. |
Tờ New York Times ngày 25/8/1929 cũng đưa tin về một hiện tượng gây cháy tương tự. Lily White, cô gái da đen tại Liberta thuộc đảo Antigua, đã làm cháy quần áo mình đang mặc trên người và cả những bộ đồ cất ở nhà. Ngay cả trong khi ngủ, các tấm ga trải giường xung quanh White cũng bị cháy xém. Dẫu vậy, ngọn lửa không bao giờ làm hại tới cô.
Và gần đây nhất, tháng 3/2011, dư luận thế giới được phen xôn xao về trường hợp bé gái 3 tuổi ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Antique của Philippines. Theo tờ The Inquirer, cô bé nọ có thể sản sinh ra lửa và dự đoán nơi xảy ra hỏa hoạn. Chính thị trưởng nơi cô bé cư trú cũng tận mắt chứng kiến cảnh một chiếc gối bốc cháy sau khi nữ công dân tí hon hô: “Gối… cháy”.
Nhiều người, kể cả các quan chức cảnh sát và cứu hỏa địa phương đều không tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy cô bé gây cháy đồ vật dù không hề tiếp xúc cơ thể với chúng. Điều này khiến chính quyền phải điều động xe cứu hỏa đến túc trực tại nhà cô bé.
Tại Việt Nam cũng từng xảy ra một số trường hợp tự bốc cháy. Năm 2006, có một cháu bé ở phía Nam đã phát ra lửa từ cơ thể gây cháy vật xung quanh như rơm rạ, quần áo hay hiện tượng mái tóc phát hỏa. Gần đây nhất là việc bé gái tên T., 11 tuổi ở TP.HCM nghi có khả năng làm cháy đồ vật từ xa đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước suốt hơn một tuần qua.
Và những ca gây cháy nặng nhất
Thử phân loại các vụ “người gây cháy”, chúng ta sẽ thấy ngay việc gây cháy đồ vật đôi khi khá “nhẹ” so với những trường hợp bị xếp vào nhóm “tự thiêu sống” (SHC - Spontaneous Human Combustion – hiện tượng tự bốc cháy của người). Hiện tượng tự bốc cháy có thể hiểu là bị đốt cháy ngay từ bên trong cơ thể người. Đôi khi, sự việc xảy ra quá nhanh, đến nỗi những vật thể xung quanh còn chưa kịp bắt nhiệt, thậm chí quần áo nạn nhân vẫn còn vẹn nguyên.
Hộp sọ còn sót lại (trái) của “người cháy”- cụ bà Mary Reeser (phải). |
Các nhà khoa học đã ghi nhận, trên thế giới đã có khoảng 80 người có khả năng tự bốc cháy cơ thể. Vụ tự cháy đầu tiên ghi nhận là vào ngày 5/7/1835 khi giáo sư toán James Hamilton tại Trường Đại học tổng hợp Nesville bỗng cảm thấy đau nhói ở chân trái. Chỉ một giây sau, cái chân này bùng cháy với ngọn lửa cao tới 10cm. Hamilton đã tự dập tắt lửa bằng đôi tay của ông.
Một số trường hợp người tự thiêu sống nổi tiếng khác là vụ bà Mary Reeser tại Mỹ bất ngờ bốc cháy cùng chiếc ghế đang ngồi và cuối cùng chỉ còn sót lại cái sọ bị teo tóp vào năm 1951; vụ công dân Mỹ Jack Angel ngủ trên xe hòm, khi tỉnh dậy đã kinh hoàng nhận thấy cánh tay phải cùng một phần da lưng của mình bị cháy hết nhưng bộ pyjama đang mặc trên người lại không hề hấn gì; hay chú rể Roberto Gonzales, người Tây Ban Nha, đột nhiên bùng cháy như ngọn đuốc và biến thành tro chỉ sau một phút trước sự sững sờ, bàng hoàng của vị hôn thê và đám đông quan khách tới dự đám cưới của anh năm năm 1998, …
Đi tìm lời giải cho hiện tượng lạ
Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa đưa ra được lý giải đầy đủ và thuyết phục nhất về hiện tượng “người gây cháy”. Thay vì đưa ra đáp án tổng quát và chính xác, họ chỉ tạm đưa ra những giả thuyết.
Ví dụ như trường hợp của A.W. Underwood, một người Mỹ gốc Phi hồi thế kỷ 19 từng nổi tiếng với “biệt tài” gây cháy các vật. Các nhà khoa học nhận định Underwood có thể chỉ là kẻ bịp bợm nhờ giấu kín các mẩu phốt pho đâu đó bên mình. Nhận định này xuất phát từ thực tế rằng, phốt pho trắng bốc cháy trong không khí ở nhiệt độ khoảng 30 độ C – mức thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể người một chút. Do đó, phốt pho có thể gây cháy chỉ nhờ hơi thở hoặc sự cọ xát.
Tháng 1/1982, nhà nghiên cứu Larry Arnold từng đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa hiện tượng người bốc cháy và “đường lửa”. Trên lý thuyết, đây là những đường lực từ của Trái đất chạy ngang dọc khắp hành tinh; và theo phát hiện của Arnold, các đường này đều chạy qua những nơi xảy ra vụ “phát hỏa” kì bí - trong đó có đường dài hơn 400 dặm, nối liền 5 địa điểm có 10 trường hợp người bốc cháy liên tiếp suốt từ năm 1852 - 1908.
Mới đây, theo lý giải của một số nhà khoa học, hiện tượng này tương tự như khi ta đốt nến, và họ cho rằng có nguồn lửa gây cháy chứ không phải cơ thể tự bốc cháy. Nguồn gây cháy có thể là một điếu thuốc, một cục than hoặc một nguồn lửa nào đó. Một cây nến gồm có tim nến được bao quanh bởi một lớp sáp làm từ các axít béo dễ cháy. Lớp sáp này sẽ giúp tim nến bén lửa và giữ cho ngọn lửa cháy.
Cơ thể người, tương tự như cây nến, cũng có một lớp mỡ đóng vai trò như sáp nến, còn quần áo hay tóc sẽ là tim nến. Khi nhiệt độ làm mỡ tan, nó thấm ra ngoài vào quần áo và giữ cho những thứ này cháy âm ỉ. Điều này giải thích tại sao vật dụng xung quanh nạn nhân ít khi bị ảnh hưởng.
Đối với trường hợp bé gái 11 tuổi ở tp. HCM, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, em có khả năng tích năng lượng. Bán cầu não phải của bé gái này có vấn đề nên có thể phát ra trường năng lượng mạnh, sinh ra nhiệt độ cao và làm phát cháy những đồ đạc ở gần.
Tuy nhiên, trong khi chưa đi đến kết luận cuối cùng, trao đổi riêng với Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung Tâm khẳng định, trung tâm và trường không tiếp tục tham gia nghiên cứu khả năng gây cháy của cháu T nữa vì "không đủ chuyên môn, trình độ". Ông Châu còn bày tỏ thêm rằng, qua tiếp xúc và xâu chuỗi các vật chứng tại hiện trường nhà cháu T., ông nghi ngờ cô bé đã dùng hộp quẹt khò của Trung Quốc, bán đầy ngoài đường, nhỏ gọn, dễ giấu trong túi áo, quần, cặp xách để đốt các vật dụng nhằm thu hút mọi người quan tâm.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - chủ nhiệm bộ môn thông tin dự báo Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - lại nhận định, đây có thể là hiện tượng rối loạn lửa nội sinh hay luồng hỏa xà (kundalini).
“Trong cơ thể con người ta có nhiều trung tâm lực gọi là sacra. Trong điều kiện nào đó, nếu các trung tâm lực này được khai mở sẽ tạo ra những khả năng mới. Trong đó có một trung tâm lực ở đốt sống cuối cùng có thể gây nên luồng nóng của cơ thể gọi là nguồn lửa nội sinh hay còn gọi là luồng hỏa xà tỏa sức nóng. Các tu sĩ yoga thường điều khiển sức nóng này để chống rét cho cơ thể giữa trời băng tuyết. Nếu không điều khiển được luồng hỏa xà này, khiến nó phát ra một cách hỗn loạn thì sẽ gây nên sự điên loạn của cơ thể gọi là tẩu hỏa nhập ma”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, các trường hợp “gây cháy” như trên không phải là hiếm. Với năng lượng của mình, họ có thể gây tác động với vật xung quanh. Một số người phát hiện cơ thể hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể mình bị cháy sém nhưng giày dép, quần áo, vật dụng xung quanh vẫn còn nguyên. Việc cháy này không phải do hỏa hoạn. Nhiều người trong số họ có thể ngồi trên băng tuyết hoặc ngâm mình trong bồn chứa nước đá hàng giờ mà không bị sao.
Dư luận vẫn chờ sự vào cuộc và kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng cũng như giới khoa học.
Tuấn Anh (Tổng hợp)