Những người hiếm tóc sẽ có thêm lý do để lo ngại: một nghiên cứu mới nhất nhận thấy, đàn ông hói đầu sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Những người bị hói sẽ có nguy cơ phát hiện khối u ở tuyến tiền liệt cao hơn người thường:?
Nguyên nhân thực sự của hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ, song các nhà khoa học cho rằng mấu chốt vấn đề có thể là nồng độ testosterone ở những người rụng nhiều tóc sẽ cao hơn ở người bình thường. Loại hormone này sẽ kích thích các tế bào ung thư phát triển, đồng thời hạn chế tóc mọc mới.

Phát biểu trên DailyMail, Tiến sĩ Neil Fleshner thuộc Đại học Toronto cho rằng, đây là một tiếng chuông báo động cho những quý ông hiếm tóc. “Tóc càng hói nhiều thì khả năng mà họ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt càng cao. Do đó, lời khuyên đưa ra là nam giới bị hói nên đi chiếu chụp và kiểm tra càng sớm càng tốt. Việc làm sinh thiết cũng rất cần thiết”.

Tuy nhiên, kết luận nói trên được đưa ra trong khuôn khổ một cuộc nghiên cứu tương đối nhỏ, chỉ bó hẹp ở 214 tình nguyện viên nam. Vì thế, DailyMail cho rằng nó chưa đủ để chứng minh hói đầu là nguyên nhân thực sự của việc tế bào ung thư phát triển. 214 tình nguyện viên này có độ tuổi từ 59-70, được bác sĩ chỉ định làm sinh thiết vì có chỉ số PSA trong máu cao (đây là một dấu hiệu quan trọng gợi ý nguy cơ mắc ung thư).

Riêng hói đầu được đánh giá theo một thang điểm 4 bậc, bắt đầu là rụng tóc nhẹ ở viền trán cho đến mức nặng là rụng tóc nửa đầu và hai bên tai.

Trước đó, các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng tiến hành một nghiên cứu tương tự và đi đến kết luận rằng nam giới bị hói từ giai đoạn 20-40 tuổi sẽ có kích cỡ tuyến tiền liệt to hơn và gặp khó khăn hơn trong việc đi vệ sinh, một dấu hiệu cảnh báo về các bệnh rối loạn và phì đại tuyến tiền liệt.

Y Lam

Hy vọng mới cho người hói
Các nhà khoa học vừa phát hiện được một loại protein gây rụng tóc, dọn đường cho một liệu pháp thổi bay ác mộng của những người “ít tóc nhiều trán”.