Ở một số loài, con đực luôn chứng tỏ chúng là những ông bố có trách nhiệm với đàn con, chẳng hạn khỉ đuôi sóc chấp nhận “diệt dục”, chim cánh cụt nhịn ăn hàng tuần để ấp trứng, v.v…

Trong thế giới động vật, sự hoán đổi vị trí trong việc chăm sóc đàn con không diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, ở một số loài, con đực luôn chứng tỏ chúng là những ông bố có trách nhiệm với đàn con.

Từ loài khỉ đuôi sóc chấp nhận “diệt dục”, những con chim cánh cụt nhịn ăn hàng tuần để ấp trứng, những chú đà điểu cao to chịu kiếp sống độc thân để nuôi con cho đến những chú cáo chung thuỷ với vợ, hết mình với con… Hãy cùng LiveScience điểm qua những ông bố tuyệt vời nhất trong thế giới động vật.

Khỉ đuôi sóc Châu Mỹ


Khỉ đuôi sóc Châu Mỹ chăm sóc con ngay từ khi chúng lọt lòng, thậm chí còn liếm và chải lông cho chúng. Dù đặc trưng của giống đực là luôn muốn truyền giống, nhưng sau khi khỉ con sinh ra, khỉ bố sẽ không thèm ‘để ý’ đến các con khỉ cái khác đang trong thời kỳ động đực.

Quá trình mang thai và sinh nở tiêu tốn rất nhiều năng lượng của khỉ mẹ, do đó sự giúp đỡ của khỉ cha là vô cùng quan trọng đối sự tồn tại của bầy con. Một nghiên cứu năm 2005 cho rằng, khỉ đuôi sóc cái thường tỏa mùi hương, để kích thích testosterone của con đực tăng vọt. Tuy nhiên, khỉ đuôi sóc đực đã chứng minh chúng là những ông bố đầy trách nhiệm khi nồng độ testosterone không hề tăng lên dù bị “mời gọi”.

Cá Ngựa (Hải Mã)


Cá ngựa cùng với cá chìa vôi là 2 loài cá duy nhất trên trái đất mà con đực phải mang thai. Cá ngựa không chỉ mang thai, đẻ trứng trong túi ấp mà chúng còn chung thuỷ với bạn tình suốt đời.

Khi giao phối, 2 con cá ngựa sẽ quấn đuôi vào nhau, con cái nối cơ quan sinh dục của mình vào túi ấp của con đực. Con đực phóng tinh dịch vào để trứng được thụ tinh và trứng sẽ được giữ ấm trong túi khoảng 2 đến 3 tuần.

Sau khi thụ tinh, con đực làm nhiệm vụ điều khiển môi trường sống của phôi trong túi ấp. Nó sẽ giữ máu lưu thông quanh phôi, kiểm soát nồng độ muối trong túi ấp, cung cấp ôxi và chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển của con non qua một cơ quan giống nhau thai cho đến khi sinh.

Bọ xít nước


Bọ xít nước khổng lồ là loài chuyên ăn thịt và sống ký sinh hút máu cá sấu với những vết cắn khá đau. Nhưng trong vai trò làm bố, những con bọ xít này lại rất “tận tình”.

Sau khi giao phối, con cái sẽ bơm một ổ hơn 100 trứng lên lưng của bạn tình. Con bọ xít cha này phải cõng bầy con tương lai hàng tuần sau đó để đảm bảo trứng được thông thoát khí và dùng chân kiểm tra trứng định kỳ để bảo vệ chúng khỏi bị nấm mốc.

Đà điểu Nam Mỹ


Đà điểu đực chân ba ngón ở Nam Mỹ không phải là loài vật chung thuỷ. Chúng có thể giao phối với hàng chục con cái trong đời mình. Tuy nhiên, bù lại chúng rất quan tâm đến đàn con của mình.

Đà điểu đực sẽ xây tổ để con cái đẻ trứng, sau đó còn ấp trứng và chăm lo cho đàn con nhỏ trong khi mẹ của chúng thì chạy theo bạn tình khác. Nặng tới 40kg và cao 1,5 m, con đực luôn tỏ ra là một vệ sĩ vú em thực thụ.

Nhái bầu Microhylidae


Các nhà khoa học phát hiện con đực của loài nhái bầu Microhylidae, sống trên các vùng núi ở Papua New Guinea, cõng những đứa con bé bỏng trên lưng khi di chuyển. Ở loài nhái này, khi đẻ trứng xong, con cái bỏ đi ngay, để lại con đực một mình thụ tinh và nuôi dưỡng đàn con. Nhờ cách thức chở con độc đáo này mà chúng giảm được việc cạnh tranh thức ăn, áp lực bị ăn thịt và tránh quan hệ với con cùng huyết thống.

Chim Sandpiper


Chim cái trong loài chim Sandpipers, thường sống ở các bãi cát ướt gần sông, lớn hơn con đực rất nhiều và cũng thường giao phối với nhiều con đực khác nhau. Con chim cái sẽ chọn một nơi để dụ bạn tình vào giao phối. Sau khi đẻ trứng vào tổ xong, chúng sẽ bay mất để lại con chim đực ấp trứng và tiếp tục nuôi con 4 tuần tiếp theo.

Chim cánh cụt


Chim cánh cụt đực vô cùng giỏi trong việc chăm sóc con. Chúng ngồi ấp trứng hàng tuần trong khi con cái bơi ra biển tìm thức ăn cho bầy con sắp nở. Con đực hoàn toàn nhịn ăn trong suốt giai đoạn này, nhưng nếu trứng nở ra mà chim mẹ không mang thức ăn về kịp thì chim bố có thể tạo ra một chất lỏng như sữa mớm cho con.

Vai trò của chim cánh cụt đực trong giai đoạn ấp trứng quan trọng đến mức các con cái thường chọn những bạn tình mập mạp do chúng có thể ngồi ấp trứng trong thời gian dài mà không cần ăn.

Đà điểu Úc


Đà điểu Úc là những ông bố to khoẻ, con trưởng thành cao đến 2m và nặng 45kg và dĩ nhiên rất khó bị đánh bại. Con cái sau khi con cái đẻ từ 6 đến 11 trứng sẽ bỏ đi tìm bạn tình khác, trong khi con đực ở lại phụ trách ấp trứng trong vòng 60 ngày. Sau đó, những con đà điểu độc thân này tiếp tục chăm sóc con cho đến khi chúng được 2 năm tuổi.

Cáo tai dơi Châu Phi


Ở loài cáo tai dơi, cáo đực có nhiệm vụ chăm sóc bầy con trong khi con cái đi tìm thức ăn.  Chúng thường dành nhiều thời gian để bảo vệ bầy con trước kẻ thù, chải lông và bắt chấy rận cho con, thậm chí khi con non đã biết kiếm mồi, chúng cũng đi theo hộ tống. Loài cáo sống về đêm này thường quay quần thành một gia đình hoàn chỉnh, gồm một vợ một chồng và bầy con của chúng.

Phúc Nguyễn

Tổ chức đám cưới cho ếch
Người dân tại một ngôi làng xa xôi ở Takhatpur (Ấn Độ) đã tổ chức lễ cưới cho một đôi ếch, với hy vọng Thượng đế sẽ mang mưa tới cho ngôi làng của họ. 
 
Chuyện lạ về những người 'cải tử hoàn sinh'
Nhiều người ước họ có cơ hội sống thứ hai. Và điều kỳ diệu này đã xảy đến trong đời thực khi một số ít người vì lí do nào đó đã có thể “trở về từ cõi chết”.
 
Kiến thông minh hơn người?
Kiến có khả năng giải các bài toàn phức tạp, các nhà khoa học Australia tin như vậy. Nhờ thông tin, kiến tìm ra các lộ trình tối ưu trong mê lộ mà con người luôn luôn bị lạc.