Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Australia vừa có một phát hiện mang tính đột phá về lịch sử Đông Nam Á khi khai quật được cái họ tin là nhà vệ sinh cổ nhất ở miền nam Việt Nam.
Quang cảnh khu khai quật ở Rạch Núi. Ảnh: Asian Scientist. |
Theo đài phát thanh Australia ABC, nhóm nhà khảo cổ Việt Nam và Australia đã thu được thành quả trên tại khu di tích Rạch Núi, thuộc tỉnh Long An, cách TP.HCM khoảng 30 km về phía nam.
Nhà vệ sinh mà các nhà khảo cổ học khai quật được thực chất là một gò đất nhân tạo rộng khoảng một hécta, cao 5m, xung quanh có các kênh rạch nhỏ và đầm lầy đước bao bọc.
Tiến sĩ Marc Oxenham đến từ Đại học Quốc gia Australia và là một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, phân của người và chó được lưu giữ ở tình trạng tốt ở “nhà vệ sinh” Rạch Núi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khảo cổ học tìm hiểu về chế độ ăn uống của người xưa.
“Có cả xương động vật, xương cá, rau lẫn trong phân còn lưu giữ lại được”, tiến sĩ Oxenham nói thêm.
Nhóm khảo cổ tin rằng, “nhà vệ sinh” ở Rạch Núi được xây dựng cách đây khoảng 3.500 năm.
Trong 7 tuần đào bới, nhóm khảo cổ học còn phát hiện nhiều “kho báu” khác, ví dụ như các đồ tạo tác bằng xương và gốm, các đục nhỏ làm từ mai rùa. Họ cũng phát hiện các bằng chứng cho thấy việc xây dựng của người cổ xưa tại khu vực này từ cách đây 3.500 – 4.000 năm, bao gồm những cấu trúc vẫn còn nguyên vẹn hoặc những cấu trúc nền tảng của các công trình.
Tiến sĩ Oxenham tuyên bố ông và các cộng sự chưa bao giờ tìm thấy bất kỳ thứ gì như vậy trước đây. Ông thừa nhận, các chuyên gia còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới nhằm cố gắng tìm hiểu chính xác những người cổ xưa đã sống và sinh hoạt như thế nào.
Tuấn Anh