Các nhà khoa học thuộc Đại học Tuebingen (Đức) đã phát hiện hóa thạch của 9 cặp rùa trong tư thế đang giao phối tại khu khảo cổ Messel Pit ở gần Darmstadt, Đức. Nhóm nghiên cứu cho rằng, những con rùa này bị chết do hít phải khí độc bốc lên từ miệng núi lửa.
Hóa thạch một cặp rùa Allaeochelys crassesculpta trong tư thế đang giao phối |
Tiến sĩ Walter Joyce, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, hóa thạch này thuộc về một loài rùa cổ đại đã tuyệt chủng có tên khoa học là Allaeochelys crassesculpta. Mai trên của loài rùa này dài khoảng 61cm và rộng 30cm.
Những bằng chứng về giải phẫu học cho thấy, mỗi cặp hóa thạch rùa được phát hiện bao gồm 1 con cái và 1 con đực. Con đực có đuôi dài hơn và thò ra khỏi mai, trong khi, đuôi của con cái ngắn hơn và nằm gọn trong mai.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện hóa thạch của các cặp rùa bao gồm 1 con cái và một con đực. Đuôi của một số con đực được đặt ở tư thế thẳng hàng với đuôi của con cái. Điều đó chứng tỏ chúng đang giao phối”, tiến sĩ Walter Joyce cho biết trên Daily Mail.
Theo các nhà khoa học, khí độc núi lửa bốc lên từ lòng hồ ở khu vực Messel Pit đã khiến nhiều loài động vật sống trong và quanh hồ tử vong. Điều này lý giải tại sao rất nhiều hóa thạch của động vật có xương sống được phát hiện dưới lòng hồ.
“Có thể những cặp rùa Allaeochelys crassesculpta bắt đầu giao phối trên bề mặt hồ. Sau đó, chúng bị nhiễm độc da và chìm xuống đáy hồ trong tư thế đang giao phối. Khí độc dưới lòng hồ ngăn xác chúng không bị phân hủy”, tiến sĩ Walter Joyce nhận định.
Cách đây 50 triệu năm, khu vực khảo cổ Messel Pit - được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ tháng 12/1995 - bao gồm nhiều hồ lớn được bao quanh bởi các khu rừng cận nhiệt đới. Vì thế, khu vực này có hệ sinh thái rất đa dạng.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật tại khu vực này được hơn 10.000 hóa thạch của nhiều loài cá khác nhau, hàng nghìn hóa thạch của côn trùng, hóa thạch của các loài động vật có vú, như ngựa lùn, chuột, dơi, tatu,...
Hà Hương
Tìm thấy viên ngọc trai hơn 7.000 năm tuổi
Các nhà khoa học người Pháp đã khai quật được viên ngọc trai tự nhiên
lâu đời nhất thế giới tại một khu khảo cổ thuộc thời kỳ đồ đá mới ở
Ả-rập.
Xem tác phẩm nghệ thuật trên đá lâu đời nhất ở Úc
Các nhà khảo cổ học vừa công bố tác phẩm nghệ thuật trên đá do
thổ dân tạo ra cách nay 28.000 năm ở một hang động hẻo lánh thuộc lãnh
thổ Bắc Úc, Liên bang Úc.
Nhện bỏ ‘của quý’ để tăng sức mạnh
Sau khi bỏ lại bộ phận sinh dục có thể tách rời được để hoàn thành
việc giao phối với con cái, con nhện Orb-weaver thường giành được chiến thắng trước các con đực khác trong cuộc chiến bảo vệ con cái.
|