Những nghiên cứu tâm lý cho thấy trẻ em ngày nay có xu hướng hung hăng, dễ cáu kỉnh và hay đánh nhau hơn trẻ em những thế hệ trước. Các nhà khoa học cho rằng việc tiêu thụ rất mạnh các loại nước giải khát có gaz có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nước uống có gaz có liên quan tới tính hung hăng ở trẻ em. Ảnh: Getty. |
Nhiều nhóm các nhà khoa học ở các nước khác nhau đã tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự thay đổi hành vi của một bộ phận thiếu niên ngày nay theo chiều hướng tiêu cực như hung hăng, thích bạo lực và tàn nhẫn. Ngoài những nguyên nhân xã hội, họ đi sâu vào ảnh hưởng của dinh dưỡng.
Trong một nghiên cứu với những em điển hình về những hành vi trên, kể cả ở mức độ luôn luôn mang theo vũ khí trong người (dao, súng lục), họ nhận thấy trong số nhiều yếu tố, có tỷ lệ cao những em có thói quen uống trên 5 lon nước giải khát có gaz mỗi ngày.
Các nhà khoa học trước đây đã từng đưa ra giả thuyết rằng có mối quan hệ giữa các thực phẩm (có hại) và tính nết (hung hăng).
Năm 1979, các nhà tư pháp Mỹ đã chứng minh rằng những tội phạm trẻ (vị thành niên) bị khởi tố về tội giết người có nhận thức rất kém về hành vi của mình, đều là những em dùng những món ăn không lành mạnh (các món ăn chế biến sẵn).
Hoàn toàn có khả năng cafein và đường trong nước giải khát có gaz đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của các em tuổi vị thành niên, như các nhà nghiên cứu nhận định. Đương nhiên, vì mối liên quan ấy chưa chứng minh được, nên cũng rất có thể những người cố đưa ra những dấu hiệu của hành vi tiêu cực gắn với các nước giải khát này chỉ là người vốn có thành kiến với chúng.
Các nhà nghiên cứu Trường ĐH Vermont khi phân tích kết quả khảo sát 1.878 thanh thiếu niên đang theo học tại 22 trường ở Boston để điều tra về lượng nước giải khát có gaz mà các em tiêu thụ.
Căn cứ vào câu trả lời, người ta chia các em đó thành hai nhóm, một nhóm uống không quá 4 lon nước giải khát có gaz trong một tuần (gọi là “nhóm tiêu thụ ít”) và nhóm kia uống từ 5 lon trở lên (“nhóm tiêu thụ nhiều”). Kết quả là cứ 3 em thì 1 em (30%) nằm trong “nhóm tiêu thụ nhiều”.
Nghĩa là, càng tiêu thụ nhiều nước giải khát không cồn bao nhiêu thì những dấu hiệu về hành vi bạo lực ở trẻ vị thanh niên càng cao bấy nhiêu. Còn ở những em uống một lượng rất lớn loại nước giải khát này, thì xác suất thể hiện những hành vi mang tính gây hấn và tàn nhẫn cao hơn bạn cùng lứa tuổi không uống nước này từ 9 đến 15 điểm.
Trong số các em trong diện điều tra trên, hơn 23% số em cho biết nói chung không uống nước giải khát có gaz và 43% uống 14 lon trong 1 tuần. Các em thuộc nhóm thứ hai này đều là các học sinh ít nhiều có biểu hiện của tính hung hăng.
Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể là hàm lượng đường trong máu thấp khiến các em xu hướng tiêu thụ nước giải khát có gaz cao cùng với sự gia tăng những hành vi bạo lực. Cho dù nước giải khát có gaz không phải là nguyên nhân thì nó cũng gắn liền với tính hung hăng của trẻ.
Công trình nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Injury Prevention.
Bảo Châu