Các nhà khoa học Mỹ mới đây thông báo, một tàu thăm dò vũ trụ của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sắp trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên du hành vượt ra ngoài Thái Dương hệ sau 35 năm hoạt động trong không gian.
Tàu thăm dò Voyager 1 của NASA, một chứng tích từ giai đoạn đầu Thời đại Không gian, vẫn còn hoạt động và không ngừng thực hiện sứ mệnh nghiên cứu các hành tinh khổng lồ kể từ khi được phóng vào vũ trụ vào năm 1977.
Mặc dù rất khó để nói chính xác biên giới của Thái Dương hệ, nhưng các nhà khoa học tuyên bố Voyager 1 đang thu thập các manh mối cho thấy nó đang ở rất gần “vùng biên” này.
Ảnh mô phỏng hoạt động của tàu thăm dò Voyager 1 và tàu anh em song sinh Voyager 2 khi ở gần đường biên nhật quyển, sắp vượt ra ngoài Thái Dương hệ. Ảnh: NASA. |
Trang Space trích dẫn một tuyên bố của Ed Stone – nhà khoa học thuộc Dự án Voyager tại Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ) - cho biết: “Các thông tin mới nhất từ Voyager 1 ám chỉ chúng ta rõ ràng đang ở trong một vùng mới, nơi mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Điều này vô cùng thú vị. Chúng ta đang tiếp cận biên giới cuối cùng của Thái Dương hệ”.
Thái Dương hệ được bao bọc trong đường biên nhật quyển (heliosphere) – một bong bóng từ khổng lồ do từ trường mặt trời hình thành từ các hạt mang điện trong không gian (gió mặt trời) tạo ra. Bên ngoài bong bóng từ này là môi trường giữa các ngôi sao – nơi cho đến nay chưa từng có bất kỳ tàu vũ trụ nào tiếp cận được.
Voyager 1, nặng khoảng 722kg, là một trong 2 tàu thăm dò vũ trụ được NASA phóng vào không gian năm 1977. Người anh em song sinh, tàu Voyager 2, đang du hành phía sau Voyager 1 không quá xa. Trong khi Voyager 1 cách Trái đất gần 17,8 tỷ km thì Voyager 1 hiện cách hành tinh của chúng ta 14,7 tỷ km. Cả hai tàu Voyager hoạt động nhờ các pin năng lượng khi chúng ở gần mặt trời, và khi ánh sáng mặt trời quá yếu, nguồn đồng vị phóng xạ mang theo giúp cung cấp đủ năng lượng để chạy các thiết bị và gửi thông tin vô tuyến về Trái đất. |
Nhật quyển giúp bảo vệ Thái Dương hệ khỏi các tia vũ trụ này bằng cách ngăn cản và làm giảm năng lượng của chúng trước khi chúng tiếp cận các hành tinh bên trong. Do đó, vùng bên trong và bên ngoài nhật quyển có sự chênh lệnh khá lớn về mật độ các tia vũ trụ.
Khi Voyager 1 tiến tới ranh giới của nhật quyển, số tia vũ trụ tăng lên. Theo nhà khoa học Stone, kể từ tháng 1/2009 – 1/2012, số tia vũ trụ trong dải ngân hà mà tàu thăm dò này phải đương đầu chỉ tăng từ từ khoảng 25%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chuyên gia phát hiện tốc độ gia tăng này cao lên đáng kể. Bắt đầu từ ngày 7/5/2012, số lượng tia vũ trụ tập kích tàu tăng 5% trong một tuần và 9% trong một tháng.
Đột biến trên được cho là đồng nghĩa với việc Voyager 1 có thể sắp đạt ngưỡng kỷ lục cách xa Trái đất 18 tỷ kilômét.
Khi Voyager 1 thực sự vượt ra khỏi nhật quyển, các nhà nghiên cứu hy vọng cũng sẽ được chứng kiến những thay đổi khác.
Ví dụ như, các hạt năng lượng từ mặt trời sẽ trở nên hiếm thấy hay từ trường bao quanh Voyager 1 sẽ thay đổi hướng từ hướng từ trường của mặt trời sang hướng từ tính mới, chưa được khám phá của môi trường giữa các ngôi sao.
Cho tới hiện tại, tất cả những hiện tượng này chưa xảy ra nhưng sự tăng đột ngột các tia vũ trụ có thể hàm ẩn chúng sẽ không còn lâu nữa.
Xem video mô phỏng vị trí của tàu Voyager:
Tuấn Anh