Bạn đã từng biết, testosteron là kích thích tố sinh dục nam. Vai trò của nó là “đúc khuôn” nên một cậu bé khi còn là chiếc phôi nhỏ hơn ngón tay út, rồi tạo chất nam tính cho một đấng mày râu, từ thể chất, hình dạng bên ngoài đến tâm sinh lý. Điều quan trọng nữa là nó chỉ huy quá trình sinh sản tinh trùng trong “nhà máy” mang tên “tinh hoàn”.

Ấy vậy mà dạo này mình cảm thấy nam tính sa sút, không hăng hái, năng động như xưa, người mệt mỏi, chán nản, là trở nên “mềm yếu”, thờ ơ chuyện gối chăn. Liệu cái chất hóc-môn kỳ diệu kia có trách nhiệm gì không? Cụ thể cơ thể mình có thiếu testosteron hay không? Có cách gì để bổ sung nếu cơ thể không sản sinh ra đầy đủ?


Các bác sĩ đã tìm ra liệu pháp để xử lý sự lười biếng của hóc-môn sinh dục nam.
Ảnh minh họa.


Bạn hoàn toàn có lý khi nghĩ đến điều ấy. Có một liệu pháp dành cho nam giới là “liệu pháp testosteron” để “xử lý” sự lười biếng của hóc-môn này. Bạn không đơn độc đâu. Các bác sĩ Mỹ đã nhận định ở nước này có từ 4 triệu đến 5 triệu đàn ông bị triệu chứng nồng độ testosteron trong máu thấp và chỉ có 5% số đó được điều trị. Còn 95% đang bị bỏ qua. Biết đâu chính bạn cũng thuộc những người cần quan tâm như 95% số người Mỹ kia.

Trước hết bạn hãy trả lời 10 câu hỏi này nhé.

1. Bạn đã trên 35 tuổi chưa?

2. Bạn có thấy cơ bắp của mình mềm nhão hơn trước không?

3. Bạn có tăng cân, nhất là tăng vòng bụng không?

4. Bạn có thấy sức yếu đi và thỉnh thoảng thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân không?

5. Tập thể dục xong, bạn có cảm thấy mình hồi phục chậm không?

6. Bạn có thấy khi nằm bên bà xã, mình không làm tròn trách nhiệm của một người chồng không?

7. Bạn có bị trầm cảm, cáu kỉnh vô cớ không?

8. Bạn có khó khăn khi đối phó với stress không?

9. Ban đêm bạn có trằn trọc, khó ngủ không?

10. Bạn có nghiện rượu, nghiện thuốc lá không?

Nếu bạn trả lời là “Có” từ 5 câu hỏi nói trên trở lên, có thể tạm bảo rằng bạn bị thiếu testosteron rồi. Tuy nhiên, đó chỉ là trắc nghiệm định tính. Muốn biết chính xác cần phải xét nghiệm định lượng. Thông thường, nồng độ testosteron trong máu dao động từ 250 đến 800 nanogam/decilit, tùy theo thời gian trong ngày, theo mùa và tùy vận động của bạn.

Nếu xét nghiệm cho thấy dưới mức cần thiết, nghĩa là đúng như trắc nghiệm, nó bắt đầu ảnh hưởng đến tâm sinh lý, làm nam tính của bạn bị thay đổi. Lúc này bạn phải điều trị.

Khi nào testosteron giảm?

Testosteron bắt đầu giảm khi chàng trai bước vào tuổi 26. Nồng độ của nó giảm dần theo năm tháng và vì nó giảm rất từ từ khiến ta không nhận ra.

Sự giảm nồng độ testosteron trong máu thể hiện qua thay đổi tâm sinh lý của bạn. Bạn “ngại” ngủ đêm cùng bà xã. Bạn gắt gỏng con cái, nhân viên, đồng nghiệp, những nguyên nhân hoàn toàn chưa đủ “liều lượng” gây ra sự tức giận...

Các bác sĩ bảo hiện tượng này cũng giống hiện tượng giảm các kích thích tố nữ estrogen và progesteron của các bà khi mãn kinh. Nó quan trọng nhưng chính bạn coi thường. Vì sao ?

• Nó diễn biến quá chậm chạp, làm bạn tự thích nghi với sự thay đổi. Đến một lúc, đột nhiên nhận ra, bèn kêu lên “ồ, sao mình lại thế này nhỉ?”

• Bạn cố tình “lờ” nó đi. Bạn chẳng tâm sự gì với bà xã hoặc bạn bè về những thay đổi, bởi cứ nghĩ “Chuyện vặt. Đàn ông đàn ang, ai cần để ý!” Và vì thế, nó sẽ được bao che để phát triển âm thầm.

• Bạn sẽ hoảng sợ khi phải đối mặt với nó khi bước qua ngưỡng của lứa tuổi 40. Bạn sẽ gặp khó khăn, chẳng biết xoay xở thế nào cho phải. Và tuổi già sẽ đến với bạn nhanh hơn.

Để khắc phục những điều “thường tình” vừa kể, giúp bạn vượt qua những triệu chứng vừa chớm xuất hiện, bạn hãy chủ động đến với các bác sĩ tìm lời tư vấn. Tùy theo mức độ trầm trọng của những triệu chứng, chắc các bác sĩ sẽ điều trị bằng cách mà chính bạn đã hình dung rồi đấy: Liệu pháp testosteron (còn gọi là Liệu pháp thay thế testosteron).

Những lợi ích mà liệu pháp testosteron có thể mang lại

Liệu pháp testosteron là điều trị bằng “thuốc” chứa testosteron và các dẫn xuất tổng hợp đã được thừa nhận dưới dạng miếng dán, viên rắn hoặc gel cũng như tiêm dưới da. Việc điều trị kéo dài với sự theo dõi cẩn thận của các bác sĩ.

Nhưng người đàn ông sau khi được điều trị bằng testosteron đều nhận xét rằng họ cảm thấy năng động hơn, sung sức hơn, quan hệ vợ chồng được cải thiện rõ rệt. Tâm sinh lý trở lại cân bằng.

Liệu pháp testosteron có thể ngừng lại khi người bệnh thấy “sung” quá trong mọi hoạt động thường ngày của mình. Testosteron có tác dụng làm hồi phục trương lực của cơ bắp, tăng sức chịu đựng của cơ thể. Nó đưa bạn trở lại với những ham muốn tình dục như xưa, làm bạn thành người “bình thường” như mọi người đàn ông khác.

Trên tờ New York Times, nhà báo Andrew Sullivan ở tuổi ngoại tứ tuần viết về kinh nghiệm điều trị bằng các chế phẩm testosteron của mình rằng: Sau 2 năm, mỗi tuần tiêm một liều, ông đã luyện tập trở thành vận động viên thể hình, tăng được 9 kg cơ bắp. Tinh thần sảng khoái hơn, luôn thấy năng động hơn (thích đua tranh hơn, hung hăng hơn, thậm chí thích... đánh nhau hơn).

Phương pháp trị liệu bằng testosteron tác động đến nhiều cơ quan theo chiều hướng tích cực, cụ thể là:

- Tăng sức lực và khối lượng cho cơ bắp.

- Cải thiện khả năng sinh hoạt tình dục.

- Tăng năng lực hoạt động, sự chịu đựng dẻo dai.

- Giảm mức cholesterol trong máu.

- Cải thiện hoạt động trí tuệ, tăng cường trí nhớ.

- Bảo vệ chống lại bệnh tim mạch.

- Tăng sự tập trung, chú ý.

Nghe mà ham. Định thừa thắng xông lên, áp dụng dài dài. Thế nhưng các bác sĩ vội chặn lại. Họ thường nhắc đi nhắc lại rằng chỉ áp dụng “liệu pháp testosteron” khi cơ thể thực sự thiếu hóc-môn này, đừng vì một sự ham hố nào đó mà cứ nằng nặc “ép” bác sĩ cho sử dụng khi không còn thiếu nó nữa. Thuốc nào cũng có hai mặt. Ngoài tác dụng chính còn có tác dụng phụ.

Người ta đề cập đến hậu quả có thể (tuy chưa khẳng định chính thức) của liệu pháp testosteron là ung thư tuyến tiền liệt sau này, làm máu đặc hơn và tăng xác suất đột quỵ. Nếu là người hiểu biết hạn chế về y học, không gì hơn là thực hiện nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sĩ.

Trở lại tuổi 20, ai mà chẳng muốn. Bởi thế, thuốc testosteron tràn ngập chợ đen để bán cho những gã “điếc không sợ súng” có động cơ không chính đáng, ví dụ làm tăng khả năng tình dục hoặc cơ bắp một cách nhân tạo (các thuốc testosteron bị liệt vào loại doping trong thi đấu thể thao). Bởi vậy, phải hết sức cảnh giác hỡi các quý ông!

Theo Dep.com.vn