Tháng Valentine, nói chuyện yêu đương của loài người mãi cũng cạn. Xin kể về những câu chuyên yêu đương của cư dân dưới biển khơi, may ra còn có điều mới lạ và biết đâu cũng đầy những bất ngờ thú vị. Vì mấy ai đã có dịp “rình mò” để chứng kiến ở dưới Thuỷ cung chúng yêu nhau ra sao.

Biển và đại dương chiếm đến 2/3 bề mặt Trái Đất. Đó là một vương quốc chứa bao nhiêu điều bí ẩn. Có lẽ người ta chẳng bao giờ thống kê được trong vùng lãnh thổ mênh mông ấy có bao nhiêu cư dân sinh sống, từ những con phù du li ti đến các bác cá nhà táng khổng lồ, vì những số liệu điều tra cứ tăng lên hàng năm đến chóng mặt. Thế nhưng ai cũng biết rằng có bao nhiêu loài thì có bấy nhiêu tập tính.

Mà loài nào thì cũng đều phải sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống và cũng có những mùa yêu đương sôi nổi.

Bắt đầu từ sinh vật bậc thấp …



San hô không phải khoáng vật mà là một sinh vật. Đến mùa yêu sôi nổi vô cùng.

Thấy những cặp san hô tuyệt đẹp, hình dáng độc đáo, màu sắc đẹp đẽ bày trong tủ kính các phòng khách sang trọng nhiều người tưởng đâu san hô là một loại khoáng vật. Thực ra đó là bộ xương còn lại của một loài sinh vật bậc thấp, ruột rỗng sống dưới đáy biển khơi. 

Hai hôm sau kỳ trăng tròn đầu tiên của mùa xuân tất cả các loài san hô bước vào một cuộc giao hoan lớn: chúng cứ nối tiếp nhau phóng ra các đám tinh trùng và các túi noãn nổi lên và toả xa đến hàng trăm kilomet, nhiều khi rộng như một lãnh thổ quốc gia. Sự kết hợp giữ những giao tử ấy sẽ nở ra hàng tỉ tỉ ấu trùng nhưng chỉ có một số rất ít may mắn chìm xuống đáy biển, bám trụ để phát triển thành những tập đoàn san hô mới.



Hải quỳ rực rỡ như những đoá hoa khoe sắc, đẻ thực nhiều nhưng sống sót
 chẳng bao nhiêu.

Còn kia, trên rạn san hô là lũ hải quỳ, loài “giun” khá đẹp, một đầu bám vào đá, đầu kia xoè ra như một đoá hoa rực rỡ đang phơ phất những “cánh hoa” mềm mại. Dưới sự chỉ huy của một số nhạc trưởng - những con trưởng thành -  phát tín hiệu bằng một hoá chất gọi là pheromon để kích thích - cả bầy nhất loạt phóng những noãn và tinh trùng vào nước biển, rồi hàng tỉ giao tử ấy lượn lờ để tìm gặp nhau. Nhưng pheromon lại bị một loài cá khôn ngoan phát hiện, rủ nhau bơi đến để thưởng thức một bữa tiệc linh đình mà chẳng mất công săn đuổi. Kết quả là 90% số trứng đã hoặc chưa thụ tinh bị những chú cá tàn bạo chén no căng bụng. Âu cũng là một quy luật khắc nghiệt của đại dương.

Song cảnh tượng giao phối “siêu thực” nhất lại thuộc về loài rươi. Rươi palolo - thuộc loài giun đất nhiều tơ sống ở Thái bình dương (họ hàng gần gũi với loài rươi xuất hiện ở vùng nước lợ miền Bắc) có cuộc sống tình ái đầy bi kịch. Đầu xuân, rươi palolo cả đực lẫn cái mọc ra những đốt đuôi để chứa tinh trùng hoặc noãn hình thành theo tuổi của chúng. Cái đuôi đó có nhiều sợi và thớ cơ co giãn để giúp chúng bơi trong nước. Đúng vào ngày thứ ba sau tuần trăng hạ huyền tháng mười âm lịch, cuộc hoan lạc của cả vương quốc rươi diễn ra. Rươi cái tiết ra một loại pheromon, thúc giục rươi đực rụng những chiếc đuôi đầy ắp tinh trùng ấy. Vừa rụng đuôi, rươi đực vừa thả vào nước biển loại pheromon khác, làm rươi cái điên đảo và cũng … rụng các đuôi trứng béo ngậy. Triệu triệu cái đuôi của “nhà trai” lẫn “nhà gái” nổi lên mặt nước, uốn éo và hối hả tự bơi đi tìm nhau trong một lễ hội tưng bừng. Đuôi nhiều đến độ trắng xoá mặt biển bao la. Các ngư dân Trung Quốc và Malaixia vớt hết ghe náy đến ghe khác mà không xuể. Họ đưa về thành phố được các đầu bếp kinh nghiệm chế biến thành những món ăn nổi tiếng, phục vụ cho những khách sành ăn mà mỗi năm chỉ có thể thưởng thức một lần.

Mùa yêu của cư dân bậc thấp của biển khơi đại khái là như vậy. Nó ào ạt, sôi nổi và kết quả của Tinh yếu – các ấu trùng - hoàn toàn phó mặc cho may rủi mà rủi nhiều hơn may đến cả trăm lần. Luật Trời đã định, ngàn đời “họ” yêu nhau “phí phạm” như thế.




Sứa lược - một mình đảm dương cả 2 giới. Vậy mà đến mùa yêu đương cũng “bày vẽ”
như mọi loài

Nhưng dù bất hạnh, “họ” còn có nam có nữ. Vô duyên hơn là những nàng sứa lược (nếu bạn muốn gọi là chàng thì cũng chẳng sai), một loài sứa khá đông đúc ở những đảo san hô phía nam Việt Nam. Dung nhan chúng lộng lẫy đến mức người ta gọi là “những bông hoa biển” khi nổi chìm tấm thân tha thướt giống như những chiếc dù hồng nhiều tua lập lờ trên mặt biển trong xanh. Các nàng bị… lưỡng tính, một mình đảm đương cả hai giới, nghĩa là trong cơ thể đã có một “của quý” để sinh trứng, lại thêm một “của quý” tạo tinh trùng.. Đến mùa sinh sản cũng bày vẽ chuyện gối chăn, cho cái nọ “đụng” vào cái kia để thụ tinh. Ấu trùng sẽ tìm cách - nếu sống sót – chìm xuống rạn san hô, bám vào đá mà trưởng thành.

... Còn tiếp ...

  • Bảo Châu