Lấy cảm hứng từ các bộ phim Hollywood, NASA đang thử nghiệm một công nghệ táo bạo, giúp giảm tốc và chống sốc cho tàu vũ trụ khi xâm nhập khí quyển các hành tinh bằng một tấm khiên phồng cỡ đại.

Tàu IVRE-3 sẽ sử dụng khiên nhiệt này khi lao vào khí quyển Trái đất với vận tốc siêu thanh.
Trang DailyMail đưa tin, khiên nhiệt phồng siêu lớn chính là thử nghiệm mới nhất của NASA. Một con tàu không gian sẽ sử dụng khiên nhiệt này khi lao vào khí quyển Trái đất trong lúc đang di chuyển với tốc độ siêu thanh lên tới 7600 dặm/giờ.

Ý tưởng chung là khi tàu đi vào khí quyển, lớp vỏ ngoài cùng sẽ được bơm đầy khí nitrogen, giúp giảm tốc cho tàu một cách nhanh chóng trong lúc tàu lao xuống mặt đất.

Hẳn các fan điện ảnh vẫn còn nhớ nhân vật Indiana Jones đã áp dụng chính sách tương tự trong bộ phim “Ngôi đền hủy diệt”, khi anh ta nhảy ra khỏi máy bay với duy nhất một chiếc thuyền phao để giảm tốc độ rơi của mình.

NASA cho biết tàu thí nghiệm IRVE-3 (Inflatable Re-entry Vehicle Experiment) đã được tên lửa phóng lên không gian từ Vancouver vào 7h sáng thứ Hai vừa qua. Mục đích của NASA là kiểm tra xem một tàu không gian cỡ nhỏ này có thể sử dụng lớp vỏ ngoài bơm phồng để giảm tốc và bảo vệ mình khỏi chấn động mạnh khi lao vào khí quyển với vận tốc siêu thanh hay không. Nếu thành công, khiên nhiệt sẽ có thể ứng dụng cho các tàu thám hiểm hành tinh trong Thái dương hệ, hoặc cho các tàu chở hàng quay trở về Trái đất sau khi tiếp tế cho trạm ISS.

Theo thiết kế, IRVE sẽ được lắp thêm một phần mũi tàu hình nón có đường kính 22-inch. Sau khi bay ra ngoài không gian, tàu sẽ tách khỏi phần mũi này để chuẩn bị lao trở về Trái đất. Một hệ thống bơm sẽ liên tục đẩy khí nitrogen vào lớp vỏ ngoài của IRVE-3 cho tới khi nó phồng rộng thành một hình nấm có đường kính gần 3m.

Sau 6 phút bay, tàu sẽ ra đến không gian, tách khỏi phần mũi hình nón để chuẩn bị rơi trở lại bầu khí quyển.
Từ trung tâm điều khiển mặt đất, các kỹ sư của NASA có thể quan sát được tấm khiên nhiệt này vẫn giữ được hình dạng gốc bất chấp lực va chạm và mức nhiệt cực cao khi ma sát với bầu khí quyển.

Sau chuyến bay, tàu IRVE-3 đã rơi xuống Đại Tây Dương ở khu vực ngoài khơi Bắc Carolina. Từ lúc được phóng lên cho tới lúc rơi xuống biển, toàn bộ hành trình kéo dài khoảng 20 phút. Một con tàu tốc độ cao của Hải quân Mỹ đã trực sẵn ở khu vực rơi với nhiệm vụ trục vớt và cứu hộ IRVE-3.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến bay này trong 3 năm”, bà Lesa Rose, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA cho biết. Trong thời gian tới, NASA sẽ tiến hành phóng thử nhiều tàu vũ trụ với kích cỡ lớn hơn để thử nghiệm khiên chắn nhiệt.

Y Lam