Trong ngày hôm nay (6/8), con tàu Curiosity của NASA sẽ chính thức bước vào 7 phút “kinh hoàng” tìm cách đáp xuống bề mặt sao Hỏa.

Có thể nói, giới khoa học và thiên văn toàn cầu đang nín thở chờ đến giờ G, bởi một sự thật không thể phủ nhận là đại đa số sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa trước đây đều thất bại, như một “lời nguyền” đau thương mang tên Hành tinh đỏ.

Người Hy Lạp và La Mã cổ đại dường như đã tiên tri được sự việc khi họ dùng tên vị thần chiến tranh Mars để đặt cho sao Hỏa. Dù đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa suốt 50 năm qua nhưng lần nào con người cũng phải vô cùng trầy trật mới có thể đưa được một tàu đến đích an toàn.

Trong cuộc “đấu tay đôi với sao Hỏa”, loài người thua nhiều hơn thắng. Lý do rất đơn giản, bạn không thể thử nghiệm các hệ thống xâm nhập khí quyển, hạ độ cao và hạ cánh trên Trái đất. Trọng lực khác, cấu trúc bầu khí quyển khác nên phần lớn sứ mệnh dựa trên phân tích lý thuyết.

Không có gì lạ khi sao Hỏa thắng lợi áp đảo, Giám đốc chương trình Sao Hỏa Doug McCuistion của NASA thừa nhận.

Kể cả khi máy móc đã hoàn hảo thì Mẹ Thiên nhiên vẫn là một đồng minh thân thiết của sao Hỏa. Bạn có thể dính bão cát. Bạn có thể bị gió xoáy. Hiện Trái đất hoàn toàn chưa có năng lực dự đoán trước những hiện tượng này.

Dưới đây là những sứ mệnh sao Hỏa thất bại nổi tiếng nhất:

1. Mariner 3

Bốn lần thử đầu tiên của Xô viết đều thất bại.
Liên bang Xô viết không chỉ là nước đầu tiên phóng vệ tinh và đưa được người lên không gian mà còn giật luôn danh hiệu phóng tàu thăm dò đầu tiên lên sao Hỏa. Mặc dù vậy, cả bốn lần thử của họ - diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10/1960 đến Tháng 11/1962 đều chưa bao giờ thoát ra được quỹ đạo Trái đất. Radio của tàu thứ năm thì bị hỏng trong lúc đang trên đường đến Hành tinh Đỏ. Tháng 11/1964, NASA nối gót Xô viết với tàu không gian Mariner 3 nhưng kết quả cũng chả khá hơn.

2. Mars 3

Một nửa bức ảnh do Mars 3 gửi về.
Sau 8 sứ mệnh thất bại, người Xô viết tưởng như đã có được chút may mắn với Mars 3, một vệ tinh quay và tàu thăm dò bề mặt kết hợp, khi tàu thăm dò hạ cánh được xuống bề mặt sao Hỏa ngày 3/12/1971. Nhưng trước khi Mặt đất kịp ăn mừng, bữa tiệc đã kết thúc. Chưa đầy 20 giây sau khi hạ cánh, một sự cố kỹ thuật không xác định đã cắt đứt liên lạc giữa tàu với Trái đất. Xô viết chỉ kịp nhận được một nửa bức ảnh. Sự cố này cũng làm tan tành luôn kế hoạch triển khai một tàu robot thăm dò tí hon. Rất may là vệ tinh quay vẫn còn hoạt động và gửi về Tổng đài nhiều hình ảnh cũng như thông tin về nhiệt độ, khí quyển, bão cát trên sao Hỏa.

3. Mars Observer

Mars Observer
Phải mất 17 năm người Mỹ mới có thể nối tiếp thành công của tàu thăm dò Viking bằng một tàu vệ tinh tối tân mang tên Mars Observer. Sứ mệnh của vệ tinh quan sát nặng 1 tấn này là mang đến cho NASA cái nhìn toàn diện, hoàn chỉnh về sao Hỏa. Nó được phóng thành công vào ngày 25/9/1992, tuy nhiên 11 tháng sau, chỉ ba ngày sau khi đến được quỹ đạo sao Hỏa, vệ tinh này đột nhiên tắt ngúm.

4. Climate Orbiter và Polar Lander

NASA tiếp tục thất bại với Polar Lander
NASA lại tiếp tục hành trình thám hiểm sao Hỏa với sứ mệnh thành công rực rỡ mang tên Pathfinder năm 1997. Tuy nhiên, niềm vui đã nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng với hai tàu thăm dò kế tiếp. Mars Climate Orbiter bị thất lạc vào tháng 9/1999 trong khi Polar Lander cũng mất liên lạc ba tháng sau đó. Các kỹ sư tin rằng động cơ hạ cánh của tàu đã tắt quá sớm, khiến cho tàu vỡ tan ngay khi rơi xuống bề mặt sao Hỏa.

5. No-Go Nozomi

Tàu thăm dò liên hành tinh đầu tiên của Nhật Bản phải mất tới 5 năm mới đến được sao Hỏa. Do cạn nhiên liệu nên mọi nỗ lực đưa tàu xâm nhập khí quyển đều bị hủy bỏ vào tháng 12/2003.

6. Phobos-Grunt

Phobos Grunt là thất bại gần đây nhất của người Nga
Người Nga tỏ ra họ vô cùng kiên định đối với sứ mệnh thăm dò sao Hỏa. Tuy nhiên lần thứ gần đây nhất của họ - một sứ mệnh đầy tham vọng với việc mang mẫu đất của mặt trăng Phobos của sao Hỏa quay trở về Trái đất đã kết thúc nhanh chóng ngay sau khi phóng hồi tháng 11 năm ngoái. Động cơ bị hỏng đã khiến cho phần bên trái tàu bị đốt cháy và mắc kẹt trong quỹ đạo Trái đất. Tàu rơi trở lại vào khí quyển Trái đất hồi tháng 1 vừa qua. Đây là lần phóng tàu thứ 19 lên sao Hỏa của người Nga nhưng tính tới nay mới chỉ có 5 sứ mệnh thành công phần nào mà thôi.

Y Lam