Các nhà sinh học đã so sánh cấu tạo chiếc bong bóng của những loại cá khác nhau và khả năng nghe của chúng để đi đến kết luận rằng cơ quan này của cá có chức năng của thính giác.
Các loài cá nghe bằng bong bóng. |
Hầu hết loại cá có xương đều có bong bóng. Nhờ cơ quan này cá có khả năng nổi trên mặt nước và điều chỉnh độ sâu khi sống trong môi trường nước. Một vài loại cá dùng bong bóng để phát ra những âm thanh tương đối lớn. Các nhà sinh học Australia vừa phát hiện một trong những chức năng khác nữa của bong bóng cá là để nghe.
Từ những kết quả thực nghiệm trên cá thuộc họ cá hoàng đế (Cichlidae, một họ cá cảnh phổ biến), các nhà sinh học đã phát hiện ra rằng thính giác của cá liên quan đến cấu tạo của bong bóng. Họ chọn những con cá họ này vì chúng có đến 12 nghìn loài, sống trong những điều kiện rất khác nhau và có những dấu hiệu của các cơ quan đa chức năng.
Một số đại diện của họ cá hoàng đế sống ở các dòng sông có nước chảy xiết hoặc dưới chân thác hầu như không còn tồn tại bong bóng nữa, trong khi các loài cùng họ sống ở những vùng nước tĩnh lặng thì ngược lại, bong bóng rất phát triển.
Ở một số loài chiếc bong bóng còn nhô ở phía trên, thành một phần riêng kéo dài đến tận tai trong. Phần nhô ra ấy có lẽ có chức năng tựa như những chiếc xương tai và ở mỗi loài cá chúng có hình dạng một khác.
Các nhà sinh học Australia đã mô tả những tín hiệu thần kinh xuất hiện ở cá tương ứng với những dao động của âm thanh. So sánh thính giác của các loài cá khác nhau trong cùng họ và cấu tạo của chiếc bong bóng, họ nhận thấy nếu chiếc bong bóng của cá càng phức tạp bao nhiêu thì cá càng có khả năng nghe được những âm thanh nhỏ và tần số cao bấy nhiêu.
Ngay cả khi bong bóng không có phần nhô ra ấy, thì bong bóng vẫn hỗ trợ cho thính giác của cá nếu như có kích thước đủ lớn. Ví dụ ở loài cá hoàng đế có tên khoa học là Hemichromis bong bóng khá to dù không có phần nhô ra cũng vẫn cảm nhận đước âm thanh có tần số 3kHz.
Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy răng nếu bong bóng nhỏ, cá chỉ nhận ra những âm thanh lớn. Để cảm nhận được những âm thanh nhỏ, cá phải dùng “mánh khoé” là hình thành một bộ phận nối bong bóng với tai trong.
Bảo Châu