Thời điểm con người có thể cử robot lên sao Hỏa để đào xới, sục sạo truy tìm dấu vết sự sống cũng như những khoáng chất quý hiếm không còn quá xa, các nhà khoa học nhận định.
Việc dùng robot chui sâu xuống lòng đất sao Hỏa và sục sạo không còn là câu chuyện viễn tưởng? |
Tuy nhiên, trang Discovery News tuyên bố, những “tia sáng bí ẩn” (skylight) mà giới thiên văn vừa phát hiện được chính là các hố đứt gãy dẫn tới các miệng núi lửa hoặc hang động nằm bên dưới bề mặt sao Hỏa. Phát hiện này mở đường cho giới khoa học suy nghĩ về việc “chui xuống” và quan sát thử xem sâu trong lòng Hành tinh đỏ ẩn chứa những bí mật gì.
Một lẽ tự nhiên, việc nằm sâu dưới đất sẽ giúp các mẫu đất, đá của sao Hỏa có được nhiều sự bảo vệ và mang tính “nguyên gốc” hơn. Bề mặt sao Hỏa thường xuyên bị đốt nóng bởi bức xạ mặt trời, lại liên tục bị sao băng, thiên thạch công phá, đó là chưa kể sự biến đổi nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm. Thế nhưng những hang động ngầm dưới lòng đất thì không bị “tra tấn” nhiều như vậy, nên những mẫu vật thu thập được ở đó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu chính xác hơn về lịch sử sao Hỏa, so với các mẫu đất/bụi thu thập được trên bề mặt.
“Đó sẽ là những mẫu vật tuyệt nhất”, nhà robot học William “Red” Whittaker của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) tuyên bố với Discovery News. Robot sẽ có thể men theo những vết nứt để chui sâu xuống lòng đất và việc thăm dò “phần bụng” của sao Hỏa, theo Whittaker hoàn toàn không phải chuyện viễn tưởng. Hiện công ty Astrobotic Technology của Whittaker đã nhận được khoản đầu tư 500.000 USD từ NASA để phát triển một mô hình robot đảm trách nhiệm vụ này.
Các lỗ hổng skylight không chỉ hiện diện trên sao Hỏa mà chúng còn tồn tại cả trên Mặt trăng. Whittaker dự đoán Astrobotic sẽ có thể kiểm nghiệm robot “đào xới” trong vòng 3 năm tới. Tất nhiên, thời gian để robot hạ cánh được xuống sao Hỏa sẽ phải lâu hơn, và trong thời gian đó chúng ta chỉ có thể trông chờ vào sự làm việc miệt mài của Curiosity.
Trọng Cầm