- Bế tắc tạo nên bởi sự căng thẳng ngày càng gay gắt hơn giữa các nhà hoạt động chống hạt nhân và những người ủng hộ điện nguyên tử, thể hiện trong việc trì hoãn lịch trình đưa ra chính sách hạt nhân của chính phủ Nhật.
Người dân Nhật biểu tình trước nhà Thủ tướng Noda ngày 22/8 vừa qua để phản đối tái khởi động nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, sự bế tắc ở Nhật Bản trong việc dung hoà quan điểm giữa các nhà hoạt động chống hạt nhân và những người ủng hộ điện nguyên tử ngày càng sâu hơn, đến mức sáng hôm qua, Thứ Hai (10/9) chính phủ Nhật phải hoãn việc đưa ra một đề nghị như dự kiến về việc giảm vai trò của điện hạt nhân trong chính sách năng lượng của đất nước sau thảm họa Fukushima.
Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã từng dự kiến công bố sớm chính sách này vào ngày 10/9/2012 , theo đó sẽ giảm tỷ lệ điện hạt nhân xuống còn 15% hoặc ít hơn vào năm 2030. Dự kiến này vừa mới tiết lộ hôm 7/9/2012 như một động thái xoa dịu dư luận trước làn sóng biểu tình chống tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.
Bây giờ, Noda phải khất lại. Và ông hứa: chính phủ Nhật sẽ quyết định sự định hướng về chính sách hạt nhân nội trong tuần này.
Thủ tướng cho biết ở cuộc họp báo sau khi công bố ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật DPJ, rằng “tình hình hiện nay là đa số dân chúng muốn chúng tôi hướng đến một xã hội không có hạt nhân”. Chính phủ đã soạn thảo một chính sách năng lượng mới kể từ khi nhà máy Fukushima bị tê liệt bởi trận động đất và sóng thần vào tháng Ba năm 2011, tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong vòng 25 năm nay. Sau cuộc khủng hoảng này, chính phủ đã tuyên bố bỏ kế hoạch đã đưa ra trước đây là nâng tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân từ gần 30% lên trên 50%.
Sáng sớm Thứ Hai, trong tư cách lãnh đạo đảng, ông Noda tuyên bố rằng, Nhật Bản sẽ hướng đến mục tiêu từ bỏ điện hạt nhân, nhưng chưa đưa ra thời gian biểu thực hiện chủ trương đó.
Noda cũng cho rằng Nhật Bản không nên xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới và sẽ áp dụng nghiêm túc một đạo luật giới hạn đến 40 năm tuổi thọ của các nhà máy hiện có. Điều đó sẽ dẫn đến tỷ lệ đóng góp của điện nguyên tử khoảng 15% vào năm 2030 và về “số không” vào giữa thế kỷ.
Sau thảm họa Fukushima, chính phủ Nhật lập tức đóng cửa tất cả 50 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản để kiểm tra an toàn. Nhưng quyết định phê duyệt khởi động lại hai lò phản ứng để tránh tình trạng thiếu điện của ông Noda hẳn gây ra sự phẫn nộ trong số các nhà hoạt động chống hạt nhân.
Trong thời gian qua, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ định mức tiết kiệm điện đối với các khu vực do ba công ty điện lực Kansai, Shikoku và Kyushyu cung cấp từ 20 giờ ngày 8/8 sau khi nước này vượt qua mùa hè nóng nực. Trước đó, định mức tiết kiệm điện đối với các khu vực thuộc công ty điện lực Hokuriku, Chubu và Chugoku cũng được ngưng thực thi.
Rõ ràng, cùng với thực hiện chính sách tiết kiệm sử dụng điện và sự bổ sung thiết bị điện gia đình hay doanh nghiệp, việc tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Oi của công ty điện lực Kansai (KEPCO) được cho là cũng đã giúp làm dịu bớt căng thẳng về nguồn cung cấp điện.
Nhìn từ một phương diện khác, các dấu hiệu chính phủ Nhật đang nghiêng về phía một kế hoạch thoát khỏi điện hạt nhân vào một “ngày đặc biệt” nào đó lại gây ra sự phản công quyết liệt từ phía có lợi ích gắn với năng lượng nguyên tử.
9 nhà máy và doanh nghiệp hạt nhân địa phương của Nhật Bản đã vận động hành lang cho rằng từ bỏ điện hạt nhân, ủng hộ vai trò của các nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời sẽ làm tăng giá điện. Họ nói rằng, điều này sẽ cản trở những nỗ lực để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và đe dọa khả năng tài chính của người tiêu dùng.
Việc đẩy mạnh nhằm thiết lập một thời gian biểu loại bỏ điện hạt nhân cũng đã gặp phải sự phản đối từ tỉnh phía bắc Aomori, nơi có nhà máy tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Các nhà máy tái chế ở làng Rokkasho vẫn chưa bắt đầu hoạt động do trục trặc kỹ thuật gần 20 năm sau khi xây dựng. Họ đang đe dọa gửi trả chất thải đang được lưu trữ, nếu chính phủ từ bỏ các chương trình tái chế.
Các nhà quan sát đang chờ chính phủ Noda, trong vài ngày tới, nội trong tuần này, thực hiện lời hứa đưa ra quyết định định hướng cho chính sách hạt nhân, nhằm gỡ sự bế tắc trong việc dung hoà quan điểm giữa những người phản đối và ủng hộ năng lượng nguyên tử ở đất nước Nhất Bản.
Hoàng Hà