Việc phân tích kỹ loại vật chất giống như đất sét được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa khiến giới khoa học nghi ngờ hành tinh đỏ không tồn tại nước dưới dạng dòng chảy.

Mẫu đất sét sao Hỏa cũng nhẹ như đất sét hình thành từ dung nham trên Trái đất
Từ nhiều năm nay, các bằng chứng về việc bề mặt sao Hỏa từng chứa nước thể lỏng xuất hiện ngày càng nhiều. Đây được coi là một yếu tố then chốt làm nên sự sống.

Các cuộc khảo sát của NASA đã cho thấy những khối băng chìm ở hai cực sao Hỏa, hay những thung lũng có vẻ như được nước tạo thành từ hàng triệu năm trước. Họ cũng tìm thấy những khối đất sét do nước tạo ra từ xa xưa.

Thế nhưng lý thuyết mới nhất do Đại học Caltech (Mỹ) đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience lại cho rằng, những khối đất sét này là do dòng dung nham có nhiệt độ 1500 độ C tạo ra. Và hiển nhiên, dung nham thì không “thân thiện” với sự sống.

Chuyên gia địa chất học Bethany Ehlmann của Caltech khẳng định, lớp đất sét tìm thấy trên sao Hỏa có nhiều lỗ rộp tròn, khá giống với loại đất tìm thấy ở một số khu vực của Brazil và Polynesia.

“Chúng hình thành khi hơi nước bốc hơi khỏi dòng magma, sau đó vỡ ra và khô thành đất sét”, ông Ehlmann cho hay. Đặc điểm của đất do nham thạch tạo ra là rất nhẹ, và điểm này cũng giống với đất sét sao Hỏa.

Nếu như giả thiết của Ehlmann là chính xác thì ông có thể dập tắt cơ hội tìm thấy bằng chứng về sự sống vi sinh trên sao Hỏa. Trước đây, các nhà nghiên cứu luôn tin rằng hàng triệu năm trước, bề mặt sao Hỏa không khô cằn như hiện nay mà có mạng lưới nước chảy chằng chịt, tạo nên những “dòng sông sự sống”.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến phản bác cho rằng giả thiết này vẫn còn nhiều lỗ hổng, chẳng hạn như dấu vết của dòng nước trên bề mặt sao Hỏa hay dấu hiệu của cặn khoáng trên hành tinh đỏ.

Mọi hy vọng đang được đổ dồn cho tàu thăm dò Curiosity, khi cánh tay robot của nó chuẩn bị được NASA kích hoạt với hàng loạt dụng cụ đào và lấy mẫu để nghiên cứu.

Trọng Cầm