Chính phủ Nhật ngày 14/9/2012 vừa đưa ra chủ trương loại bỏ năng lượng hạt nhân, tiếp hôm sau 15/9/3012 lại tuyên bố không có kế hoạch đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới…

Chính phủ Nhật đang gặp khó khăn trong việc đưa ra chính sách hạt nhân mới.


Một sự thỏa hiệp, một điệu kèn ngập ngừng

Mười tám tháng, một thời gian quá dài kể từ thảm hoạ xảy ra ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, chính phủ của đảng Dân chủ Nhật DPJ vẫn lúng túng không đưa ra được một chính sách hạt nhân mới. Có nhà phân tích vội nhận xét phán rằng, chính phủ của thủ tướng Noda hẳn đã phải cảm thấy xấu hổ do sự chậm trễ được lặp đi lặp lại và sự trì hoãn đưa ra một chính sách năng lượng mới.

Không thể chần chừ lâu hơn, cuối tuần qua, ngày thứ Sáu 14/9/2012, nội các Yoshihiko Noda đã họp và đưa ra xem xét một bản “Chiến lược mang tính cách mạng về năng lượng và môi trường”, trong đó điểm mấu chốt là tiến đến chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trên đảo quốc đông dân, nghèo tài nguyên và đang sử dụng điện hạt nhân nhiều hàng thứ 3 trên thế giới trong những năm 2030.

Để loại bỏ điện hạt nhân, chính phủ Noda vạch ra “ba mũi nhọn”, gồm: đóng cửa các lò phản ứng đã quá tuổi 40, không xây dựng bất kỳ lò phản ứng mới nào và cho phép khởi động lại chỉ những lò phản ứng (trong khoảng 50 lò) đã qua kiểm tra và đạt các tiêu chuẩn đề ra bởi một cơ quan pháp quy mới.

Để bù đắp vào sự thiếu hụt năng lượng do phi hạt nhân hoá, nước Nhật sẽ đầu tư mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt. Trong đó, từ nay đến khi xoá bỏ điện hạt nhân, năng lượng tái tạo có thể tăng gấp 3 lần và sự đóng góp của nó chiếm 30% trong tổng điện lượng quốc gia.
Đồng thời, nhiệt điện dùng than đá và dầu khí không những không giảm bớt như kế hoạch trước đây mà còn phải tăng thêm, tức là nước Nhật nghèo tài nguyên này càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp bên ngoài, kể cả vùng Trung Đông đầy bất ổn.

Trong một bản chiến lược quan trọng, có tính lịch sử đối với một đất nước từ lâu đã đặt cược tương lai của mình vào nguồn năng lượng hạt nhân, chỉ mới thấy đưa ra những điểm nhấn và các tác giả cố ý chưa đưa ra những con số chính xác, chưa có lộ trình chi tiết.

Điều này có thể được hiểu là chính sách hạt nhân được xây dựng trong một bối cảnh rất phức tạp, đứng trước một cuộc bầu cử có thể diễn ra trong vài tháng tới trong tình thế ông Noda và Đảng DPJ có nguy cơ bị loại khỏi vũ đài chính trị. Và do đó, lúc này họ rất cần đến các lá phiếu, không chỉ từ những người ủng hộ mà đặc biệt từ những người đang phản đối điện hạt nhân.

Để đạt được mục tiêu đầy khó khăn đó, nội dung bản cương lĩnh chỉ có thể chuyển tải trong một giọng điệu ngập ngừng, trung dung để tìm một sự thoả hiệp không chỉ với những người nói “No” mà cả với những người nói “Yes” đối với điện hạt nhân.

“Yes” hay “No”, cả hai chưa thật hài lòng

Chính sách mang tính thoả hiệp này, dĩ nhiên, không thể làm mãn nguyện cho cả hai phía, nó chỉ có thể đáp ứng đòi hỏi phần nào cho mỗi phía, cụ thể là phong trào chống hạt nhân và giới kinh doanh có lợi ích gắn với công nghệ hạt nhân.

Các nhà hoạt động chống hạt nhân với hàng chục ngàn người cuồn cuộn kéo đến bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Noda phản đối điện hạt nhân, phản đối tái khởi động các lò phản ứng, có thể tạm hài lòng với lời hứa “lâu dài sẽ xoá bỏ điện hạt nhân” và mở ra triển vọng tăng nhanh các nguồn năng lượng sạch và an toàn cao cho con người, hạn định tuổi thọ các lò phản ứng chỉ 40 năm, đồng thời tạo ra các cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cho các công ty liên quan năng lượng tái tạo, châm ngòi thúc đẩy cả nền kinh tế.

Nhưng đòi hỏi của lực lượng này còn lớn hơn, thúc bách hơn. Đối với họ chiến lược công bố ngày thứ Sáu vừa rồi là khá mơ hồ và ngay cả thời hạn để phi hạt nhân hoá (trong những năm 2030) ấn định trong dự thảo cũng quá dài.

Họ cũng không chấp nhận được kế hoạch một số lò phản ứng đang "đắp chăn" sẽ lại được phép “dựng dậy”, và các lò mới đang xây dựng dở dang cũng được phép tiếp tục xây tiếp để rồi đưa vào sử dụng.

Một vấn đề còn nhức nhối nữa là với tân chính sách hạt nhân, mặc dù tiến tới xoá bỏ dần điện hạt nhân, nhưng còn để ngõ khả năng nước Nhật tiếp tục chương trình hợp tác với Mỹ và các nước châu Âu như Anh và Pháp về chuyển giao công nghệ, về xử lý các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và lưu giữ chất thải phóng xạ. Đây là sự ràng buộc quốc tế mà nước Nhật chưa thể chối bỏ ngay, trong lúc các phong trào “Xanh”, những người nói “No” với hạt nhân ở Nhật từ lâu rất “dị ứng”.

Về phần những người ủng hộ điện hạt nhân, họ cảm thấy phần nào được xoa dịu bởi chính sách năng lượng mới mở đường cho việc khởi động lại hàng chục lò phản ứng đang đóng băng, cho xây dựng tiếp 3 lò phản ứng (2 lò ở phía bắc và 1 ở phía nam nước Nhật) đã có giấy phép từ trước thàm hoạ Fukushima.

Điều có ý nghĩa là quá trình phi hạt nhân hoá không thực thi ngay trong một sáng một chiều mà kéo dài đến ít nhật là 3 thập kỷ. Vì ai có thể đoan chắc trong một tương lai nào đó không xuất hiện một quyết định gia hạn tuổi thọ lò phản ứng thêm 10 hay 20 năm nữa, đặc biệt những lò tiên tiến mới với độ an toàn cao. Như vậy, sự tồn tại nền công nghiệp điện hạt nhân nước Nhật biết đâu lại kéo dài đến tận năm 2070, một khoảng thời gian quá đủ để điện hạt nhân hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, không chỉ đối với nước Nhật mà trên cả toàn cầu.

Được vậy, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn lên tiếng phê phán nhiều luận điểm trong chính sách hạt nhân của chính phủ Nhật.

Họ cho rằng, giảm điện hạt nhân sẽ kèm theo tăng nhập khẩu nhiên liệu, phát triển các nguồn năng lượng gió và mặt trời cũng sẽ làm tăng giá điện, đặc biệt duy trì và tăng thêm nhiệt điện sẽ cản trở lớn mọi nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà nước Nhật đã long trọng cam kết trong Nghị định thư Kyoto được thông qua 15 năm trước, ngày 11/12/1997, ngay tại Nhật Bản.

Ngoài ra, các nhà cầm quyền và dân chúng ở các địa phương có nhà máy điện hạt nhân còn lên tiếng phản đối chính sách “xoá điện hạt nhân” vì lý do ảnh hưởng đến đời sống và gia tăng nạn thất nghiệp.

Bài toán bất định nhiều ẩn số

Bản Dự thảo chính sách hạt nhân chính phủ Nhật đưa ra trong thứ Sáu tuần qua quả còn nhiều bất định, nó thiếu những số liệu xác định và thời gian biểu triển khai rõ ràng.

Về điều này, ông Tetsunari Iida, Giám đốc “Viện Chính sách Năng lượng Bền vững” có trụ sở tại Tokyo có nhận xét nặng nề: "Đây là thủ đoạn trí trá đối với các từ ngữ và các con số" vì "số lượng không phải là biểu tượng chính trị, nhưng nó có ý nghĩa trong thực tế".

Ngay cả thời hạn phi hạt nhân hoá cũng là bất định. Độ bất định này kéo rất dài, có thể vào đầu năm 2030 hoặc vào năm 2040 !  Bỗng đến phút chót, ngay trong ngày hôm nay, Thứ Tư (19/9/2012), ở phiên họp nội các Nhật Bản để thông qua chính sách năng lượng mới, cái thời hạn năm 2040 để “phase out” điện hạt nhân  cũng bị  rút bỏ. Và như vậy cái “bất định” phải chăng đã trở thành cái “vô hạn”?

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Thương mại Yukio Edano cho rằng: cái thời hạn 2030 hay 2040 “không thể đạt được chỉ với một đề xuất của các nhà hoạch định chính sách. (Vì) nó còn phụ thuộc vào ý muốn của người sử dụng điện, vào sự đổi mới công nghệ và môi trường năng lượng quốc tế trong những thập kỷ tới".

Triển vọng thực thi chính sách năng lượng hạt nhân mới cũng vậy, cũng chưa thật rõ ràng. Nhà lãnh đạo tập đoàn Keidanren có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản, ông Chủ tịch Hiromasa Yonekura nói thẳng: Loại bỏ năng lượng hạt nhân là "không thực tế và không thể thành công".

Chính bản thân chính phủ Noda của đảng Dân chủ DPJ, tác giả của điệu kèn ngập ngừng nói trên, cũng đang ở trong tình trạng bất định. Và không loại trừ khả năng đảng cầm quyền DJP thất bại. Trong trướng hợp đó, đảng Dân chủ Tự do LDP lên cầm quyền và với sự đồng hành chặt chẽ nhiều thập kỷ qua cùng nền công nghiệp hạt nhân, rất có thể chính phủ mới của LDP sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách hạt nhân.

Quả là nền công nghiệp điện hạt nhân nước Nhật đang đứng trước bài toán bất định với nhiều ẩn số.

  • Trần Minh