Các chuyên gia Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc vừa phát hiện tầng nước ngầm mới tại Hà Nội, với trữ lượng cực lớn và chất lượng đảm bảo…
Nguy cơ hết nước sạch
Hà Nội có nguy cơ bị cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm do việc khoan giếng không được quản lý tốt. Ảnh minh họa. |
Những năm gần đây, liên tục có các thông tin về việc Hà Nội có nguy cơ thiếu nước ngầm nghiêm trọng trong tương lai do khai thác quá nhiều và quản lý không chặt chẽ. Đây cũng chính là nỗi lo của các nhà quản lý và các nhà khoa học.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Dự báo, tới năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên tới mức 1,4 triệu m3/ngày đêm.
Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, trong đó, riêng số giếng tư nhân do các hộ gia đình tự khoan lên tới trên 100.000 chiếc.
Về chất lượng nước, những kết quả quan trắc càng khiến người dân hoang mang hơn khi liên tục phát hiện dấu hiệu gia tăng ô nhiễm với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như hàm lượng amoni, asen, hữu cơ…
Theo các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội hiện nay đang ở mức báo động nghiêm trọng. Hà Nội có địa hình thấp về phía Nam và Đông Nam, toàn bộ nước bề mặt kéo theo chất bẩn về đây, ngấm xuống làm bẩn cả những tầng chứa nước nằm sâu dưới lòng đất.
Tại khu vực phía Nam và Đông Nam thành phố Hà Nội, nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng Amôni cao hơn giới hạn cho phép nhiều lần, điển hình là các giếng của Nhà máy Nước Pháp Vân chứa NH4+ tới 30mg/l.
Mới đây nhất, bức xúc vì phải dùng nước không đảm bảo tiêu chuẩn nhiều năm, ngày 10/9/2012, cư dân khu nhà N01, N02, N03, N04, N05 thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm đã “tố” Công ty CPĐT bất động sản Hà Nội thiếu trách nhiệm với sức khỏe người dân. Cụ thể, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho hơn 100 hộ dân thuộc 5 tòa nhà trên đã bị nhiễm hàm lượng asen là 370 µg/l, cao gấp 37 lần mức cho phép.
Phát hiện nguồn nước quý giá
Trước những lo ngại về việc sụt giảm lượng nước ngầm cũng như gia tăng ô nhiễm nguồn nước, khoảng 10 năm gần đây, các nhà địa chất thủy văn đã quan tâm tới nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP Hà Nội. Cụ thể, Trung tâm QH&ĐTTNN đã hoàn thành công tác điều tra nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP. Hà Nội.
Theo kết quả điều tra, tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội có nhiều vùng giàu nước, với chất lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều ở trong mức cho phép.
Đoàn khảo sát cũng xác định được các vùng có triển vọng khai thác nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo và đánh giá được trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo lên tới 1.642.925m3/ngày (hơn gấp đôi mức khai thác hiện nay). Đặc biệt, đoàn khảo sát còn phát hiện nguồn nước có lưu lượng lớn ở nhiệt độ 36 độ C, thuộc loại nước khoáng ấm.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐT TNN) miền Bắc, kết quả điều tra tầng chứa nước Neogen vùng thành phố Hà Nội cho thấy triển vọng nguồn nước mới có chất lượng rất tốt, có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống sinh hoạt hoặc ngành sản xuất công nghiệp (dệt may, điện tử) cần nguồn nước có chất lượng tốt… Ngoài ra, nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, vì ở độ sâu lớn hơn các tầng nước ngầm hiện đang khai thác nên chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn, nhưng về lợi ích về lâu dài là rất rõ bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước này. Trên thực tế, chi phí của người dân Hà Nội trong những năm gần đây cho việc mua máy lọc nước cũng không hề nhỏ, trong khi chất lượng cũng chưa thực sự khiến người dân an tâm.
Theo VnMedia