Tương phản và tương đồng
Giải Nobel 2012 như thường lệ sẽ được công bố vào tháng 10. |
Giải Nobel là giải thưởng quốc tế chính thức, danh giá nhất về học thuật trong các lĩnh vực khoa học quan trọng, ra đời theo nguyện vọng cuối đời của Alfred Nobel, nhà hóa học, nhà công nghiệp, người phát minh ra thuốc nổ Thụy Điển để vinh danh các tác giả có phát minh quan trọng trong các lĩnh vực... Vật lý, Hóa học, Sinh lý học hay Y học, Văn chương và Hòa bình. Từ năm 1968 bổ sung thêm Kinh tế.
Giải Ig Nobel là giải “nhại” theo Giải Nobel. Chữ Ig là viết tắt từ ignoble (có nghĩa là “ti tiện, thấp hèn” hay có nghĩa thích hợp hơn là “ngố”, nhại). Giải thưởng này được trao cho những khám phá bất ngờ và gây cười (“trước hết làm cho người ta cười, sau đó làm họ suy nghĩ”) thuộc các lĩnh vực tương tự giải Nobel “thật” như Vật lý, Hóa học, Sinh lý học hay Y học và bổ sung thêm Sức khoẻ cộng đồng, Kĩ thuật, và một số ngành khoa học khác.
Giải Nobel chính được bình chọn và phản biện chặt chẽ bởi các cá nhân và tập thể khoa học nổi tiếng thế giới. Phần thưởng gồm tiền thưởng, một huy chương vàng và một giấy chứng nhận. Giá trị tiền thưởng khá lớn. Theo di chúc của Alfred Nobel, tiền thưởng được lấy từ lợi nhuận của quỹ Nobel và chia ra làm các phần bằng nhau.
Giải Ig Nobel được tổ chực chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu “bất khả thi”). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng.
Danh sách những “nhà Nobel” thực sự được công bố hằng năm vào tháng 10 và được trao giải vào ngày 10/12 hàng năm. Giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901.
Trong lịch sử giải Nobel có một số nhà bác học được hai lần nhận giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau, Marie Curie là một trường hợp như thế, bà đã được trao tặng giải Nobel Vật lý và Hoá học.
Danh sách những “nhà Ig Nobel” được công bố và trao tặng hàng năm vào đầu mùa thu, trước và gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.
Trong lịch sử giải Ig Nobel có trường hợp đặc biệt là nhà Vật lý gốc Nga, Andre Geim, trở thành người đầu tiên nhận được cả 2 loại giải: Nobel truyền thống (năm 2010) và Ig Nobel (năm 2000). Điều này chứng tỏ tầm trí tuệ ở cả các tác giả của giải Ig Nobel.
Chủ nhân giải Ig Nobel 2012
Các tác giả của giải Ig Nobel Tâm lý học 2012. |
Năm nay, Giải Ig lần thứ 22 được công bố và trao tặng vào sáng 20/9/2012 ở Nhà hát Sanders, Đại học Harvard, nước Mỹ. Tiếp theo, ngày 22/9/2012 ở Học viện Công nghệ Massachusetts gần đó, các tác giả được giải Ig Nobel đến trình bày các bài giảng về các phát kiến của mình.
Ở đây, họ có cơ hội trình bày và giải thích những thành quả “nghiên cứu” cho công chúng. Buổi lễ này được Harvard Computer Society, Harvard-Racliffe Fiction Association và Harvard-Radcliffe Society of Physics Students đồng tài trợ. 10 “Công trình” Ig Nobel vinh danh năm 2012 được tóm lược sau đây.
1/ Giải Ig Nobel Tâm lý học, các tác giả là Anita Eerland và Rolf Zwaan (Hà Lan), Tulio Guadalupe (Peru/Nga/Hà Lan), về nghiên cứu hiện tượng “khách tới thăm tháp Eiffel của Pháp nếu nghiêng mình sang bên trái một ít, sẽ thấy tòa tháp này hình như bé đi”.
2/ Giải Ig Nobel Hoà Bình, tác giả là Igor Petrov (Nga), về nghiên cứu “tìm cách chế biến thuốc nổ cũ từ lâu không dùng thành kim cương nano và sử dụng trong trị liệu ung thư như hóa trị”.
3/ Giải Ig Nobel Âm học, tác giả là Kazutaka Kurihara và Koji Tsukada (Nhật Bản), về nghiên cứu tạo ra SpeechJammer hay một chiếc máy có thể ngắt quãng bài phát biểu (dài và dở) của một diễn giả bằng cách thu và phát lại để họ họ nghe chính giọng mình được nhại lại chậm hơn một chút.
4/ Giải Ig Nobel Thần kinh học, tác giả là Craig Bennett, Abigail Baird, Michael Miller và George Wolford (Mỹ), về việc chứng minh rằng các nhà nghiên cứu não bộ, nhờ sử dụng các thiết bị phức tạp và các phép thống kê đơn giản, có thể nhìn thấy các hoạt động của não bộ ở bất cứu đâu, thậm chí ở một con cá hồi đã chết.
5/ Giải Ig Nobel Hóa học, tác giả là Johan Pettersson (Thuỵ Điển/Rwanda), về giải toả được cái “bí ẩn” vì sao trong một số ngôi nhà ở thị trấn Anderslöv của Thụy Điển, tóc người ta lại chuyển sang màu xanh lá cây.
6/ Giải Ig Nobel Văn chương, tác giả là Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ vì đã phát hành một "bản báo cáo về các báo cáo kiến nghị chuẩn bị cho một báo cáo về bản báo cáo về các báo cáo liên quan tới các báo cáo".
7/ Giải Ig Nobel Vật lý, tác giả là Joseph Keller (Mỹ), Raymond Goldstein (Mỹ/Anh), Patrick Warren và Robin Ball (Anh), về tính toán sự cân bằng lực giúp định hình và di chuyển tóc trong kiểu tóc đuôi ngựa
8/ Giải Ig Nobel Khí động học, tác giả là Giáo sư Kỹ thuật Máy tại Đại học California Rouslan Krechetnikov (Mỹ/Nga/Canada) và học trò Hans Mayer (Mỹ) về nghiên cứu “những gì xảy ra khi một người đi bộ cầm theo trên tay một tách cà phê”. Krechetnikov nói: “Dĩ nhiên ai cũng biết cà phê sẽ trào ra ngoài cốc khi bước đi, nhưng chúng tôi vẫn không ngờ rằng việc đo đếm chính xác lượng cà phê trào ra là có thể thực hiện được".
9/ Giải Ig Nobel Giải phẫu học, tác giả là Frans de Waal (Hà Lan) và Jennifer Pokorny (Mỹ), về sự phát hiện rằng: con tinh tinh có khả năng nhận diện các con tinh tinh khác, chỉ nhờ việc nhìn vào các tấm ảnh chụp từ phía sau đuôi đồng loại.
10/ Giải Ig Nobel Y tế, tác giả là Emmanuel Ben-Soussan và Michel Antonietti (Pháp), về “đưa ra lời khuyên các bác sĩ tiến hành khám ruột kết như thế nào để giảm thiểu khả năng bệnh nhân của họ sẽ “nổ”.
Chủ nhân giải Nobel truyền thống 2012?
Câu hỏi này đã đặt ra từ nhiều tháng nay và cũng có không ít người hoặc cơ quan truyền thông khoa học tìm cách trả lời.
Chẳng hạn, Hãng Thomson Reuters đã công bố dự báo của mình và đưa ra danh sách những ứng cử viên có khả năng nhất đoạt giải Nobel 2012 cho 4 lĩnh vực: Hoá học, Vật lý học, Sinh lý học/Y học và Kinh tế.
Việc tìm thấy hạt của Chúa có thể đoạt giải Nobel năm nay? |
Riêng Nobel Vậy lý có những 3 nhóm phát minh khoa học được cân nhắc và tính đến. Kỳ vọng hơn cả là “phương pháp thực hành trong lĩnh vực viễn di chuyển lượng tử, tức là sự di chuyển các đối tượng trong thế giới vi mô ở trạng thái lượng tử” với 3 nhà khoa học Charles Bennett (Mỹ), Gilles Brassard (Canada) và William Wootters (Mỹ).
Thứ đến là các phát minh về “Sự phát quang trong Porous Silicon” với chuyên gia về Silic xốp Leigh Canham (Anh). Ngoài ra, các nhà khoa học Stephen Harris (Mỹ) và Lene Hau (Đan Mạch) cũng được tính đến với cụm công trình về “Ánh sáng lạnh”, cụ thể là “làm chậm xung ánh sáng trong đám mây các nguyên tử Natri siêu lạnh”.
Về giải Nobel trong lĩnh vực Sinh học và Y học, kỳ vọng nhất là “những phát minh xuất sắc trong lĩnh vực di truyền học ” bởi David Allis và Michael Grunstein (Mỹ). Họ là những người đã thực hiện “một loạt những phát minh xuất sắc trong ngành di truyền học biểu sinh (epigenetics)”, đó là lĩnh vực khoa học về sự thay đổi các biểu hiện của gen mà không làm biến đổi trình tự sắp xếp các ADN.
Về Hoá học, người ta đặt hy vọng cao nhất vào phát minh các phương pháp mới trong lĩnh vực “quang xúc tác” hay các ứng dụng của Dioxit Titan với Akira Fujishima, Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản).
Về Kinh tế, các nhà dự báo đưa ra công trình “nghiên cứu về biến động thị trường“ hay “sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ” với nhà kinh tế học Mỹ Robert Schiller.
Dự báo trên đây của Reuters dựa trên cơ sở phân tích những công trình khoa học đã công bố và được trích dẫn nhiều nhất trên các tạp chí khoa học cũng như sự đánh giá tầm quan trọng của những phát minh của họ.
Dù sao, dự báo cũng chỉ là dự báo. Sự sai lệch giữa dự báo và kết quả của ban tổ chức giải Nobel đưa ra có thể ở trong một khoảng cách lớn.
Cũng nên nhắc lại một sự kiện liên quan diễn ra vài tháng trước đây. Hồi đầu tháng 7, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) công bố đã tìm thấy trong thí nghiệm một loại hạt mới có đặc tính giống hạt Higgs, được gọi là "hạt của Chúa" được các nhà vật lý lý thuyết, trong đó có Peter Higgs, tiên đoán vào năm 1964 trong khi xây dựng “Mô hình chuẩn”, một giả thuyết thành công nhất trong việc giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Công trình nghiên cứu về hạt Higgs rõ ràng xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng được trao vương miện cao quý - Giải Nobel Vật lý. Nhưng vấn đề hóc búa đặt ra là những ai sẽ là chủ nhân của giải thưởng này. Ngoài Peter Higgs còn có 5 nhà vật lý lý thuyết khác nữa cùng công bố công trình dự báo trong vòng 4 tháng của năm 1964. Ngoài ra, số lượng các nhà vật lý thực nghiệm tham gia phát hiện hạt Higgs trên máy gia tốc của CERN hẳn cũng không ít.
Quả là một bài toán nan giải khi, theo quy định của Viện Hàn lâm Thụy Điển, chỉ chọn tối đa 3 người để trao giải! Rõ ràng, quy định này ra đời trong thời kỳ mà phần lớn thành tựu khoa học được tìm ra bởi những cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Vậy, giờ đây nên chăng cần có một sự điều chỉnh cần thiết?
Cũng may, các kết quả thí nghiệm kiểm tra sự xuất hiện hạt Higgs và độ chính xác về khối lượng của nó vẫn chưa kết thúc. Và bài toán khó về trao giải Nobel cho những chủ nhân xứng đáng nhất của “hạt của Chúa” chắc hẳn sẽ để lùi sang năm 2013, hay biết đâu còn muộn hơn nữa.
Minh Trần