Một nghiên cứu mới công bố cho biết, gian lận trong nghiên cứu khoa học trên thế giới ngày càng gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, bởi hàng loạt nguyên nhân chi phối.


Gian lận khoa học đã tăng gấp 10 lần so với những năm 1970. Ảnh minh họa: CSM

Nếu con số nghiên cứu gian lận hoặc bị nghi ngờ gian lận phải rút lại vào năm 1976 chỉ với tỷ lệ 10/1 triệu nghiên cứu được công bố thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 96/1 triệu nghiên cứu. Theo thống kê trên Tạp chí Biological Chemistry, tính đến tháng 5/2012, trong số hàng triệu nghiên cứu về y học công bố trên các tạp chí chuyên ngành đã có 2.047 nghiên cứu phải gỡ bỏ vì gian lận.

Các công trình nghiên cứu phải gỡ bỏ liên quan đến gian lận chiếm 63% khi đó nó thường mắc phải các hành vi sai trái như đạo văn. Trong khi đó do lỗi chỉ 21%. Ngoài ra, còn có các nghiên cứu đã được công bố trước đây nhưng bây giờ mới phát hiện ra gian lận, theo Arturo Casadevall - giáo sư vi sinh học tại Đại học khoa Albert Einstein ở New York.

Hãng thông tấn AP dẫn lời giáo sư Casadevall nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong khoa học là do bối cảnh chung của xã hội, khi xu hướng giả dối đang gia tăng, làm cho khoa học cũng dễ bị tổn thương.

Hơn nữa hệ thống khen thưởng đối với khoa học cũng không cân xứng. Vì nếu một nhà nghiên cứu có công trình công bố trên các tạp chí nổi tiếng họ có nhiều khả năng nhận được công ăn việc làm và kinh phí hơn. Đặc biệt, muốn nổi tiếng, muốn có nhiều tiền lại dẫn đến nguy cơn gian lận nhiều nhất.

Điều đáng lo ngại hơn cả, mặc dù gian lận trong khoa học chưa phải chiếm đa số, nhưng những con số gian lận khoa học lại gia tăng ở chính các lĩnh vực rất quan trọng. Một khi điều này xảy ra, xã hội sẽ mất niềm tin vào khoa học.

Theo Đất Việt