Những ngón chân giả được làm từ gỗ và da, đính kèm với một xác ướp nữ của người Ai Cập cổ đại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hai ngón chân giả của xác ướp Ai Cập chính là những bộ phận cơ thể nhân tạo lâu đời nhất từng được tìm thấy. Chức năng của chúng là giúp cho việc đi lại trên những đôi sandal Ai Cập cổ đại dễ dàng hơn nhiều.

Ngón chân giả bằng gỗ và da tìm thấy cạnh một xác ướp Ai Cập.
Trong đó, một ngón chân giả được đặt tên là Greville Chester, hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng Anh, có niên đại 600 năm trước CN. Nó được làm từ một hỗn hợp giấy cổ xưa gồm linen, hồ từ mỡ động vật. Ngón còn lại được làm từ gỗ và da, có niên đại từ năm 950-710 trước Công nguyên và hiện đang được trưng bày tại Cairo.

Theo LiveScience, nếu như những ngón chân này quả thật được chế tác để giúp những ai chẳng may mất ngón chân cái có thể đi lại bình thường, đây sẽ là bộ phận cơ thể nhân tạo cổ xưa nhất từng được biết đến, lâu đời hơn cả chiếc chân bằng đồng và gỗ của người Capua La Mã, vốn có niên đại 300 năm trước Công nguyên.

Nhà nghiên cứu Jacky Finch thuộc Đại học Manchester, trưởng nhớm nghiên cứu cho biết, có nhiều bằng chứng về việc người Ai Cập cổ đại đã tạo ra các bộ phận cơ thể giả để an táng cùng các xác ướp. Tuy nhiên chất liệu, thiết kế cùng với cách đeo ngón chân giả này đều gợi ý rằng chúng được dùng cả trong thực tế.

Nhằm chứng minh nhận định này, Finch đã mời hai tình nguyện viên cùng mất ngón chân cái bên phải mặc trang phục của người Ai Cập cổ và đi bản sao của ngón chân cái giả cổ đại. Sau đó, họ sẽ đi bộ 10m bằng chân trần, 10m với giày bình thường và 10m với ngón chân giả. Chuyển động của hai tình nguyện viên, lực nhấn của bước đi đều được ghi lại bằng một loại thảm đặc biệt.

Y Lam