Loài người có thể trở thành sinh vật có lý trí nhờ vào việc đưa các thực phẩm chứa chất đạm vào khẩu phần ăn.

Các nhà khoa học giải thích rằng tổ tiên của loài người bắt đầu sử dụng thịt làm thực phẩm vào khoảng 1,5 triệu năm trở về trước, nghĩa là sớm hơn nhiều so với các giả thuyết hiện nay.
 
Kết luận này là của các nhà nhân chủng học Trường ĐH Colorado (Mỹ), sau khi nghiên cứu thi hài của một cậu bé người cổ đại tìm thấy trong hang động Olduvai ở phía bắc Tanzania. Căn cứ vào những mảnh xương sọ các nhà khoa học đã xác định được cậu bé bị bệnh thiếu máu, gây ra do thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là khẩu phần ăn thiếu đạm động vật.

Theo bản báo cáo được công bố, cơ thể cậu bé vẫn phát triển bình thường cho tới khi, vì một nguyên nhân nào đó, cậu ta phải ngừng tiếp nhận đạm động vật. Có thể là lúc đó cậu ta không được bú sữa mẹ nữa. Theo các chuyên gia, nghiên cứu này chứng tỏ rằng chính nhờ sự có mặt của thịt trong khẩu phần ăn, nói cách khác là nhờ sự có mặt của chất đạm với những axit amin, con người ngày một trở nên thông minh hơn do có những điều kiện để phát triển bộ não.

Các nhà nhân chủng học tin rằng những phát minh mới về đề tài “thịt giúp cho con người bước lên cao dần trong bậc thang tiến hoá” không phải chờ đợi lâu nữa và công trình của họ là bước khởi đầu. Ví dụ các chuyên gia đang có ý định tìm hiểu hoàn cảnh nào mà loài người cổ đại dùng thịt làm thực phẩm và ảnh hưởng của điều này đến bộ não ra sao.

Trước khi có phát hiện này, người ta cho rằng người cổ đại đã ngừng ăn rau quả và bắt đầu ăn thịt vào thời gian cuối của kỷ băng hà. Dường như đó là điều bắt buộc để sống còn, vì các thực phẩm từ thực vật (rau, quả, củ…) không kiếm đâu ra nữa.

Ngoài ra, theo thuyết này, cho đến thời điểm đó thịt chưa bao giờ là món chính trong khẩu phần ăn vì để có được nhóm thực phẩm này khó hơn nhiều, cần phải săn bắt trong khi thiên nhiên có sẵn biết bao nhiêu là loài thực vật.

Bảo Châu (Theo Utro.ru)