Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa quyết định trao giải thưởng Nobel 2012 trong lĩnh vực Hoá học cho hai học giả Robert J.Lefkowitz và Brian K.Kobilka. Cả hai ông đều mang quốc tịch Mỹ.

Robert J.Lefkowitz (trái) và Brian B.Kobilka (phải)
Robert Lefkowitz hiện đang làm việc tại Viện Y tế Howard Hughes và Trung tâm Y tế Đại học Duke, trong khi Brian Kobilka công tác tại Đại học Y Standford. Họ được vinh danh nhờ nghiên cứu về “các điểm thụ cảm kết đôi G-protein”.

Trong thông cáo phát đi, Ủy ban Nobel đánh giá những phát hiện của hai ông là “mang tính đột phá, giúp hé lộ cơ chế hoạt động nội tại của một họ tế bào thụ cảm quan trọng trong cơ thể”.

Lefkowitz sinh năm 1943 tại New York và tốt nghiệp MD vào năm 1966 tại Đại học Columbia. Ông được phong hàm vị Giáo sư Y khoa tại Đại học James B.Duke và Giáo sư Sinh họa tại Trung tâm Y tế Đại học Duke.

Trong khi đó, Kobilka sinh năm 1955 tại Little Falls (Mỹ). Ông nhận bằng M.D năm 1981 tại Đại học Y thuộc Đại học Yale và được phong hàm vị Giáo sư Y Khoa, Giáo sư Sinh lý học Phân tử và Tế bào tại Đại Học Y Stanford.

Giải thưởng 1,2 triệu USD tiền mặt của năm nay sẽ được chia đều cho Lefkowitz và Kobilka, Stockholm cho biết.

Năm ngoái, giải thưởng danh giá này được trao cho Giáo sư Hóa Daniel Shechtman của Viện Công nghệ Haifa, Israel với phát hiện về cầu trúc “giả tinh thể” của nguyên tử.

Giả tinh thể, hay Quasicrystal, là một dạng cấu trúc có trật tự nhưng không mang tính tuần hoàn. Đó là những mô hình có quy luật nhưng không bao giờ tự lặp lại. Tuy nhiên, cho tới trước phát hiện của Daniel Schechtman, giới khoa học vẫn tin rằng cấu trúc giả tinh thể là không khả thi ngoài đời thực.

Sau phát hiện của Shechtman, giới khoa học đã tạo thành công nhiều dạng giả tinh thể khác trong phòng thí nghiệm, cũng như tìm thấy giả tinh thể tự nhiên ở mẫu nước khoáng của một con sông ở Nga. Một hãng hóa học Thụy Điển cũng tìm thấy giả tinh thể trong một loại thép, nơi cấu trúc tinh thể giúp gia cố cho vật chất giống như áo giáp. Hiện tại, các nhà khoa học đang thử nghiệm việc sử dụng giả tinh thể trong những sản phẩm khác nhau như chảo rán chống dính và động cơ diesel.

Trọng Cầm