Được nhà phát minh ra thuốc nổ dynamit sáng lập và do Hoàng gia Thụy Điển trao tặng từ 111 năm qua, giải Nobel từng được trao cho các nhà khoa học lừng danh Marie Curie và Albert Einstein. Thế nhưng, xung quanh giải Nobel có rất nhiều giai thoại “buồn, vui lẫn lộn".
Alfred Nobel vốn là một nhà doanh nghiệp Thụy Điển phất lên nhanh chóng nhờ phát minh ra chất nổ dynamit và muốn số tài sản khổng lồ mà ông tích tụ được sử dụng có ý nghĩa cho đời sau. Kể từ năm 1901, số tiền lãi của khối tài sản mà Alfred Nobel để lại được trao cho các nhân vật có “cống hiến nhiều nhất cho nhân loại” bao gồm các nhà khoa học, nhà văn và các nhân vật cũng như tổ chức có thành tích nổi bật kiến tạo hòa bình.
Các giải Nobel được trao vào ngày 10/12 hàng năm, kỷ niệm ngày mất của nhà sáng lập giải Alfred Nobel. Trong số những người đoạt giải có những tên tuổi lẫy lừng như Marie Curie, Albert Einstein, Wilhelm Conrad Röntgen, Niels Bohr, Max Planck…
Kể từ năm 1991, lại xuất hiện Ig-Nobel Prize (phản Nobel Prize) dành cho các phát minh vô bổ nhất.
Liệu bạn có biết ai là người trẻ nhất đoạt giải Nobel và ai cảm thấy ê chề khi nghe thông báo đoạt giải? Sau đây là 5 câu chuyện ít được biết đến liên quan đến giải Nobel.
Thủ tướng chiến tranh đoạt giải Nobel Văn học
Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh Spiegel Online |
Người ta sẽ chẳng hề ngạc nhiên khi giải Nobel Hòa bình được trao cho các chính khách nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nhưng việc trao giải Nobel Văn học cho (cố) Thủ tướng Anh Winston Churchill, một chính khách sừng sỏ trong Chiến tranh thế giới thứ II, đã khiến cho nhiều người (trong đó có cả người được trao giải) cảm thấy bàng hoàng khó tin. Có lẽ, Thủ tướng chiến tranh Winston Churchill là chính khách đầy quyền lực duy nhất được trao giải Nobel Văn học.
Khi công bố giải Nobel Văn học thuộc về Winston Churchill, ông Göran Liljestrand thay mặt cho Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi Winston Churchill là “bậc thầy của ngôn ngữ tiếng Anh” và “mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu con người” thông qua những cuốn sách viết về lịch sử đương đại của ông.
Do quá ốm yếu, Churchill đã ủy thác cho bà vợ nhận giải Nobel Văn học và viết sẵn diễn văn cảm ơn. Đáng chú ý là trong bài diễn văn này có đoạn viết: “Tôi cảm thấy rất tự hào, nhưng thú thực tôi cũng cảm thấy rất… kinh hoàng. Tôi hy vọng quí vị có lý. Nếu quí vị không có gì nghi ngờ gì về vụ trao giải Nobel Văn học này, thì có lẽ tôi cũng không còn băn khoăn day dứt về chuyện đó”.
Giải Nobel ư? Thật quá bẽ bàng!
Nhà hóa học người Pháp Yves Chauvin cảm thấy quá đỗi bẽ bàng. Ảnh Spiegel Online. |
Thông thường, các nhà khoa học thường tỏ ra rất vui mừng khi nghe tin mình đoạt giải Nobel. Thế nhưng, nhà hóa học người Pháp Yves Chauvin, Giám đốc danh dự Institut Français du Pétrole (IFP), lại cảm thấy quá đỗi bẽ bàng.
Khi nghe tin mình đoạt giải Nobel Hóa học năm 2005, nhà khoa học Yves Chauvin thú nhận: “Đối với tôi, thật là bẽ bàng khi nghe tin nhận giải Nobel Hóa học. Phát minh của tôi đã có cách đây 40 năm và tôi hiện là một lão già mắt mờ chân chậm”.
Ông lão Yves Chauvin cùng với hai nhà khoa học Mỹ là Robert Grubbs và Richard Schrock được nhận giải Nobel Hóa học năm 2005. Nhưng bản thân ông Chauvin lại cho rằng đóng góp của ông thật ra không đáng kể so với hai đồng nghiệp Mỹ: “Mặc dù tôi đã có công dọn đường, nhưng thực ra tôi được thơm lây nhờ công lao của hai đồng nghiệp Mỹ. Nhờ họ mà tôi mới có giải Nobel Hóa học”.
Ông lão Chauvin cảm thấy bất hạnh và không muốn nhận giải vì cuộc sống “yên bình” của ông bị đảo lộn hoàn toàn. Thế nhưng, cuối cùng ông cũng bị thuyết phục và đến Stockholm nhận giải từ tay Nhà vua Thụy Điển Carl-Gustav.
Hai bố con chia nhau giải Nobel Vật lý
William Lawrence Bragg (bên trái) và cha là William Henry Bragg (bên phải). Ảnh Spiegel Online. |
Cho đến nay, ông William Lawrence Bragg vẫn là người giữ kỷ lục về nhà khoa học được trao giải Nobel trẻ nhất.
Không những thế, gia đình Bragg đã đi vào lịch sử của giải Nobel vì William Lawrence cùng với người cha là William Henry Bragg (bên phải) ôm trọn giải Nobel Vật lý năm 1940.
Nhà sáng lập Ig-Nobel Prize “há miệng mắc quai”
Nhà sáng lập ra Ig-Nobel Prize "há miệng mắc quai". Ảnh Spiegel Online. |
Thế nhưng đến năm 2005, Roy J. Glauber đã bị lâm vào tình thế khó xử “há miệng mắc quai” và phải đọc một bài diễn văn trên cương vị nhà khoa học đoạt giải Nobel thực sự. Vị giáo sư Đại học Harvard danh tiếng này đã cùng với hai nhà khoa học John Hall (USA) và Theodor Hänsch (Đức) đoạt giải Nobel Vật lý nhờ phát minh ra kỹ thuật đo lường chính xác tần số ánh sáng, dựa trên công nghệ laser.
Dùng diễn đàn Nobel để … kêu oan cho bạn
Nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2003 Peter Agre... kêu oan cho bạn. Ảnh Spiegel Online. |
Tại lễ trao giải Nobel, ông Agre tố cáo “một số vấn đề xã hội, trong đó có việc ngược đãi các nhà khoa học ở Mỹ”. cụ thể, nhà khoa học 54 tuổi này đã đề cập đến trường hợp nhà khoa học Thomas Butler, một nhà khoa học nổi tiếng của Đại học Kỹ thuật Texas đã thông báo cho bộ phận an ninh về việc thiếu 30 ống nghiệm chứa vi trùng và sau đó bị Cục Điều tra Liên bang FBI đổ riệt cho tội nói dối.
Theo nhà khoa học Peter Agre, vụ việc này đã phơi bày mặt trái của “cuộc chiến chống khủng bố” do Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush phát động. Không những thế, ông này còn thông báo sẽ trích ra một phần của giải thưởng Nobel để chống lại “sự ngược đãi” các nhà khoa học ở Mỹ.
Theo DV