Các nhà khoa học phát hiện thấy một loài ếch ở Nhật Bản biết sử dụng móng vuốt ở ngón chân giả để chiến đấu với kẻ thù cũng như giao phối.
Loài ếch Babina subaspera. Ảnh: Daily Mail. |
Tiến sĩ Noriko Iwai và các cộng sự thuộc trường đại học Tokyo (Nhật Bản) từ năm 2004 đã bắt đầu nghiên cứu tập tính sinh sản và môi trường sống loài ếch Babina subaspera sống trên các đảo ở Amami của Nhật Bản, nhằm đề gia chiến lược bảo tồn loài động vật đặc hữu trên hòn đảo này.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học rất bất ngờ khi họ phát hiện thấy rằng loài ếch Babina subaspera sở hữu một ngón chân giả, khiến chúng trông như có 5 ngón chân như loài ếch Hypsiboas rosenbergi ở Nam Mỹ.
“Tại sao ngón chân thứ 5 tồn tại ở một số loài vẫn còn là một bí mật của tiến hóa, nhưng ngón chân thứ 5 của loài ếch Babina subaspera thực chất chỉ là một ngón chân giả”, tiến sĩ Noriko Iwai cho biết trên Daily Mail. “Đầu ngón chân già là một chiếc vuốt nhọn có thể xuyên thủng da, được chúng sử dụng để chiến đấu với kẻ thù và giao phối”.
Tiến sĩ Noriko Iwai nhận thấy rằng cả ếch cái và ếch đực đều có vuốt ở đầu ngón chân giả. Nhưng con đực có chân giả lớn hơn những con cái, và cũng chỉ có con đực mới sử dụng vũ khí này. Chúng không chỉ sử dụng vuốt để chiến đấu và còn dùng nó để bám vào con cái trong khi giao phối.
Cơ hội để ếch đực tìm thấy bạn tình trên các hòn đảo ở Amami rất khó khăn. Vì thế, khả năng chiến đấu để cạnh tranh bạn tình vô cùng quan trọng và chiếc vuốt sắc nhọn là vũ khí cần thiết cho chúng trong các cuộc chiến.
Thay vì dùng vuốt nhọn như những thanh kiếm, những con ếch Babina subaspera đực phân thắng bại bằng cách xông vào vật nhau và dùng những móng vuốt đâm xuyên vào cơ thể của nhau.
Hà Hương