Chiếc mũi không chỉ đơn giản dùng cho việc hít thở và ngửi. Trong thế giới động vật, chúng được dùng cho nhiều mục đích khác, chẳng hạn như những chiếc xúc tu nhô ra dò tìm thức ăn, là công cụ phục vụ cho việc ăn và uống, cầm nắm, hay phát ra những tín hiệu tình yêu. Đối với một số loài vật, chiếc mũi đóng vai trò sống còn trong đời sống của chúng.

TIN BÀI LIÊN QUAN


Gấu




Loài gấu có chiếc mũi trông hết sức bình thường, thế nhưng ẩn dưới vẻ ngoài tầm thường này là một “bộ máy” đánh hơi siêu nhạy. Chiếc mũi của gấu thính hơn mũi chó săn gấp 7 lần, và gấp 100 lần so với mũi người. Đã có những trường hợp gấu lần theo mùi của xác thú chết và tìm đến đúng chỗ có thức ăn cách chỗ của nó đến vài km. Khứu giác của loài gấu mạnh đến nỗi chúng có thể đánh hơi thấy mùi của một người 12 giờ đồng hồ trước khi anh ta xuất hiện trước mặt nó.

Voi



Khi bàn đến những chiếc mũi quái dị, chúng ta nghĩ ngay đến chiếc mũi rất đặc trưng của loài động vật to lớn nhất trên mặt đất – loài voi. Tuy thế, cái vòi của chúng không chỉ dùng để hít thở mà nó còn đóng nhiều vai trò quan trọng khác như ngửi thức ăn, sờ mó và cảm nhận các vật thể mà nó tiếp xúc. Voi cũng uống nước thông qua chiếc vòi này. Ngoài ra,  voi còn dùng cái vòi đặc biệt của mình như một cánh tay vô cùng mạnh mẽ và linh hoạt. Nó có thể nhặt cành cây, kéo ngã cây, hái trái trên cao, hoặc vào những ngày nóng nực thì chiếc mũi lại biến thành một chiếc vòi sen giúp voi tắm mát.

Cá mập đầu búa



Phần đầu nhô ra một cách kỳ lạ của loài cá này không những chứa cơ quan khứu giác mà nó còn có tác dụng kiềm giữ con mồi (thức ăn ưa thích của chúng là cá đuối) trước khi “xơi tái” nó. Vì phần đầu có bề ngang rộng khá đặc biệt nên mũi của cá mập đầu búa cũng nằm cách xa nhau hơn so với các loài cá mập khác. Các nhà khoa học nói rằng, cơ quan khứu giác phân bố xa nhau như vậy giúp chúng đánh giá và xác định phương hướng mùi hương tỏa ra từ con mồi tốt hơn, và vì vậy giúp chúng nhận biết vị trí con mồi chính xác hơn các loài cá mập khác.

Chuột túi Châu Phi lớn




Loài vật này có khứu giác đặc biệt nhạy bén và đặc tính dễ bị mùi thức ăn kích thích nên chúng đã được tổ chức phi chính phủ APOPO của Hà Lan huấn luyện làm nhiệm vụ dò bom mìn.

Để một con chuột biết dò mìn, người ta phải huấn luyện nó trong 9 tháng. Đây không phải là một công việc dễ dàng nhưng nó sẽ cứu được rất nhiều mạng sống. Do chuột khá nhẹ nên chúng có thể chạy trên một bãi mìn mà không sợ vô tình kích nổ mìn nếu chẳng may giẫm phải. Chúng được gắn một sợi dây đỏ trên mình và khi đụng phải mìn, chúng sẽ dừng lại, ngửi ngửi và bắt đầu cào xuống đất.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chó được coi là động vật dò tìm mìn đáng tin cậy nhất, có thể ngửi thấy những quả mìn chôn sau 15 đến 20 cm dưới đất mà thiết bị dò tìm có thể bỏ qua. Hiện nay, chuột túi Châu Phi là một công cụ mới và rất quan trọng trong công việc cam go này.

Bồ câu đưa thư




Khả năng ghi nhớ đường đi của loài bồ câu đã được biết đến từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng mãi gần đây bí mật về nó mới được khám phá. Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện, bồ câu sử dụng khứu giác như một chiếc la bàn. Để chứng minh thêm khả năng tìm đường về nhà của những chú chim bồ câu, các nhà khoa học đã tiến hành vô số thí nghiệm khác nhau, kể cả việc cắt đi dây thần kinh khứu giác của chúng. Khi một dây thần kinh bị cắt đứt, loài bồ câu sẽ không đủ khả năng để tìm hướng về. Từ đó, các nhà khoa học đã thừa nhận khả năng xác định phương hướng bằng khứu giác của bồ câu. Có được khả năng này là nhờ mỏ trên của bồ câu đưa thư có những hạt từ tính nhỏ xíu, chính những hạt này giúp chúng lập bản đồ từ trường trái đất trong những hành trình vạn dặm. Vì vậy, chẳng cần “hỏi” đường, bồ câu vẫn có thể “lần” đúng địa chỉ.

Khỉ mũi hếch



Khỉ mũi hếch Myanmar có chiều cao chừng 60 cm. Chúng không có sống mũi song và lại có cặp môi rất dày. Do thiếu sống mũi nên hai lỗ mũi của khỉ hướng lên phía trên, khiến nước mưa rất dễ lọt vào và gây hiện tượng hắt hơi. Vào những ngày có mưa, chúng thường úp mặt vào đầu gối để nước không lọt vào mũi. Cũng chính vì “lỗi kỹ thuật” này của tạo hóa mà vào những ngày mưa, tiếng hắt hơi của chúng khiến chúng rất dễ bị phát hiện và rơi vào tầm ngắm của những tay thợ săn.

Cá mũi voi



Điều đặc biệt ở loài cá này có lẽ là hình dáng chiếc "vòi" ở phần đầu của chúng, làm chúng ta liên tưởng đến chiếc vòi voi. Chúng phân bố chủ yếu ở các vùng nước bùn lầy ở Châu Phi, môi trường lý tưởng để những chiếc mũi dài của chúng phát huy tác dụng vì cá thích sục mũi xuống nền đáy tìm thức ăn. Cá mũi voi thường hoạt động kiếm ăn vào ban đêm nhờ chiếc mũi có chức năng như là một “máy dò” thức ăn bằng điện từ, hoạt động như các máy dò kim loại. Nhờ có hình dạng khá độc đáo mà hiện nay cá vòi voi là một loại cá cảnh khá được ưa chuộng tại Việt Nam và trên thế giới.

Khỉ mũi dài



Khỉ mũi dài, hay còn gọi là khỉ vòi, sống ở Đông Nam Á. Đặc điểm nổi bật của chúng là có một chiếc mũi to và dài. Khi chúng vui mừng, chiếc mũi sẽ phình to lên hay rung rung trông rất lạ. Mũi của khỉ vòi cái lớn hơn mũi của con đực. Chiếc mũi cũng chính là công cụ giúp khỉ đực thu hút được bạn tình. Khỉ đực mũi càng dài, con cái càng mến mộ. Có những con khỉ đực mũi dài tới 18cm. Mỗi đàn khỉ vòi thường gồm 8 - 10 con, phân bổ trong một khu vực rộng chừng 2km. Hiện tại, loài này đang nằm trong Danh sách Đỏ gồm những loài đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Ếch Pinochio



Vào năm 2008 các nhà khoa học đã phát hiện một loài ếch mới tại một khu rừng ở Indonesia mà họ đặt tên là ếch ‘Pinocchino’ bởi phần mũi dài khác thường của chúng.  Khi cất tiếng kêu, lập tức phần mũi của nó phồng và hướng lên trên, còn khi không hoạt động nó lại xẹp đi.

Chuột chũi mũi sao

Những con chuột chũi đặc biệt  này chỉ sống ở miền đông Canada và đông bắc nước Mỹ. Chúng dành nhiều thời gian cho cuộc sống dưới lòng đất và đào những chiếc hang. Mũi của chúng có hình dáng khá kỳ dị với 22 chiếc râu màu hồng tủa ra bốn phía. Đây là bộ phận vô cùng hữu dụng bởi nó vừa giúp loài vật này đi lại trong hang tối, vừa giúp nó kiếm thức ăn vô cùng nhanh nhạy.

Cao Nguyên
(Tổng hợp)