Chỉ một nghị lực rất lớn, quyết tâm rất cao của những người đầy ý chí mới có thể bỏ được những điếu thuốc quyến rũ bắt người ta phải phụ thuộc vào chúng.

Phải có một nghị lực phi thường mới có thể rời xa những điếu thuốc lá. Ảnh minh họa.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ lâu cố gắng bỏ thuốc lá, bằng cách kết nối với hàng triệu người Mỹ khác để tạo ra một cố gắng chung. Ông hiểu rằng nói lời “vĩnh biệt” đối với thuốc lá là một chuyện cực kỳ khó khăn.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng là Robert Gibbs nói ngắn gọn trong một cuộc họp báo: “Tổng thống biết rất rõ rằng đối với ông việc nghiện thuốc chẳng tốt đẹp gì. Ông không thích con cái biết về điều đó. Và tôi nghĩ rằng ông ta sẽ cương quyết bỏ thuốc”.

Vậy tại sao bỏ thuốc lại khó như vậy?

Mỗi lần, hít khói thuốc vào phổi có nghĩa là chúng ta đã tạo điều kiện để những phân tử nicotin sau vài giây theo máu xâm nhập vào não. Tại đây nicotin tác động vào các thụ thể của tế bào não, bắt não ra lệnh cho cơ thể sản sinh ra một “đợt sóng” dopamin, một hoá chất làm người ta có cảm giác hài lòng và sảng khoái rất… “phê”. 

Ngoài dopamin, khói thuốc còn kích thích việc sản sinh ra các phân tử khác trong não, gây ra cảm giác khoan khoái lạ thường, trong đó có những các chất hoá học gọi là hoc-mon nội sinh (endocrin) như opioid chẳng hạn, làm tăng cảm giác hưng phấn và trấn áp sự buồn chán, thất vọng, theo kết quả của những nghiên cứu tiến hành năm 2004 tại Trường ĐH Michigan (Hoa Kỳ).

Các công ty sản xuất thuốc lá chưa bao giờ tìm cách làm người ta dễ dàng từ bỏ thói quen có hại này mà ngược lại, theo thông báo của các cơ quan y tế Mỹ, các nhà công nghệ trong ngành công nghiệp thuốc lá trong mấy thập niên qua còn cố gắng tìm ra những chất nhằm làm người ta cảm thấy thú vị hơn khi hút thuốc để lôi cuốn được càng nhiều người nghiện thuốc càng tốt, nhằm tăng doanh số và lợi nhuận đến mức tối đa.

Trong số những “cải tiến” ấy, họ bổ sung amoniăc để chuyển hoá nicotin thành dạng đi đến não nhanh chóng hơn, tăng số lượng những lỗ trống trong đầu lọc, để khói thuốc được hít vào phổi nhiều hơn. Họ thêm vào thuốc các thành phần khác như đường và chất tăng độ ẩm, làm mất đi cảm giác khô và khé cổ khi hút, làm điếu thuốc “ngon” hơn rất nhiều, đặc biệt đối với người mới hút lần đầu.

Khi bạn ngừng hút những thụ thể tiếp nhận nicotin của bạn cũng ngừng hoạt động luôn. Bạn không nhận được số lượng dopamin mà bạn đã quen nhận được để tạo ra cảm giác rất dễ chịu mà làn khói “kỳ diệu” mang lại. Một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Tâm  lý học  tư vấn và lâm sàng đã chỉ ra rằng những người quyết tâm bỏ thuốc đều bị rơi vào trạng thái trầm cảm và căng thẳng trong suốt 31 ngày sau đó.

Cơ thể của những người ở lứa tuổi vị thành niên còn nhạy cảm với nicotin nhiều hơn nữa, do vậy người trẻ dễ mắc nghiện hơn những người lớn tuổi. Điều đó giải thích vì sao mỗi ngày có 4.000 trẻ vị thành niên đã thử rít làn khói thuốc đầu tiên trong đời, và trong số đó mỗi ngày đội quân nghiện ngập thuốc lá lại được bổ sung thêm 1.000 người chưa đến tuổi trưởng thành.  

Nhiều người cứ hy vọng việc chuyển từ thuốc nặng sang thuốc nhẹ, cải tiến đầu lọc để giảm hàm lượng các chất hữu cơ độc hại thâm nhập vào cơ thể qua khói thuốc sẽ giúp họ dần dần xa rời điếu thuốc rất độc hại, nhưng các nghiên cứu cho thấy mọi biện pháp bỏ thuốc đều vô hiệu. Chúng không hề làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh tật mà điếu thuốc mang lại và thực tế không thể giúp người nghiện từ giã thói quen rất có hại này.

Bảo Châu