Ngày 6/11 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, Hiệp hội sản phẩm công nghệ kháng khuẩn Nhật Bản tổ chức Hội thảo về công nghệ kháng khuẩn.

Hội thảo có vai trò kết nối các nhà quản lý, khoa học, các doanh nghiệp hai nước, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm kháng khuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường…

Đến dự buổi hội thảo có ông Nghiêm Vũ Khải, thứ trưởng bộ Khoa Học Công Nghệ và tiến sỹ Yoshifumi Moriya, chủ tịch Hiệp Hội Chống Kháng Khuẩn Nhật Bản cùng toàn thể các nhà nghiên cứu cũng như đại diện các cơ quan liên quan.

Hiệp Hội Chống Kháng Khuẩn Nhật Bản được thành lập để phổ biến và nhân rộng công nghệ kháng khuẩn. Các sản phẩm xử lý công nghệ kháng khuẩn được phát minh tại Nhật, tuy nhiên, với những công dụng hết sức lợi ích cho cuộc sống con người, nên mục tiêu của hiệp hội là muốn phát triển ra cả thị trường các nước châu Mĩ và châu Á. Ngoài các nước lân cận như Hàn Quốc, Indonesia... và Việt Nam trở thành điểm đến kế tiếp.

Thông qua buổi hội thảo, các công ty cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam được giới thiệu về công nghệ xử lý kháng khuẩn này, và cũng để nghiên cứu tính khả thi của những công nghệ này tại Việt Nam với mong muốn góp phần nhỏ bé nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và xã hội Việt Nam.
Vật dụng kháng khuẩn
Khác với các sản phẩm diệt khuẩn hoặc giảm khuẩn, các sản phẩm kháng khuẩn không diệt trừ toàn bộ các loại vi khuẩn mà thay vào đó, chống sự gia tăng của các loại khuẩn có hại. Công nghệ kháng khuẩn là công nghệ xử lý bề mặt sản phẩm, có tác dụng phòng chống sự tăng trưởng, gia tăng của các tế bào vi khuẩn, do đó làm cho môi trường cuộc sống của con người được sạch sẽ hơn.

Những sản phẩm kháng khuẩn đã trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống hang ngày ở Nhật Bản, từ một đôi tất ngăn ngừa các vi khuẩn gây mùi tới những chiếc tủ lạnh và điều hoà, tất cả đều đã ứng dụng công nghệ kháng khuẩn, Công nghê này đã được ứng dụng tại Nhật Bản trên 20 năm với qui mô thị trường hiện nay là trên 1000 tỷ yên (tương đương 12 tỷ USD).

Thúy Ngà